Bà Trường bên căn nhà kho, nơi gia đình, con cháu bà phải ở sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất |
Phớt lờ chỉ đạo của cấp trên
Tháng 1/2009, UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty Sơn Kim đầu tư dự án Gateway tại phường Thảo Điền, quận 2. Để thực hiện dự án, tháng 10/2010, UBND quận 2 ban hành quyết định thu hồi 675,7m2 đất nông nghiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Trường (75 tuổi) với số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 5,7 tỷ đồng. Không đồng ý, gia đình bà Trường khiếu nại song không được xem xét. Trong quá trình gia đình bà khởi kiện vụ việc ra tòa, UBND quận 2 đã ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất vào tháng 7/2011.
Tại phiên xét xử ngày 22/6 vừa qua, TAND quận 2 đã tuyên hủy quyết định thu hồi trái pháp luật 675,7m2 đất của bà Nguyễn Thị Trường và 6 hộ dân (cùng là con của bà Trường). Phần đất này hiện đang được Công ty Sơn Kim thi công một phần dự án Gateway Thảo Điền.
Trước khi TAND quận 2 tuyên bà Trường thắng kiện, nhiều cơ quan của TP và T.Ư đã kết luận việc UBND quận 2 ra quyết định thu hồi đất và cưỡng chế là không hợp lý. Đây là dự án có mục đích thương mại, không thuộc trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất. Chủ đầu tư phải thỏa thuận thương lượng bồi thường tiền đất với người dân theo quy định. Sau đó, UBND TP HCM đã giao UBND quận 2 phải thu hồi quyết định thu hồi đất trái luật trên và gặp gia đình bà Trường để ghi nhận ý kiến. Tuy nhiên, suốt từ năm 2012 đến nay, những chỉ đạo trên đã bị UBND quận và chủ đầu tư phớt lờ.
Cưỡng chế theo hợp đồng
Luật sư Nguyễn Thị Hợp (Đoàn Luật sư TP HCM), người bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân trên cho biết, sở dĩ UBND quận 2 “nhiệt tình” ra quyết định thu hồi và cưỡng chế đất của bà Trường giao cho Công ty Sơn Kim do đằng sau có nhiều “khuất tất”.
Cụ thể, ngày 9/11/2009, giữa Ban Bồi thường GPMB quận 2 và Công ty Sơn Kim đã ký hợp đồng với nội dung: Sơn Kim giao cho Ban Bồi thường GPMB quận 2: “Áp giá tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp với UBND phường tiến hành tiếp xúc hiệp thương giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất, thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ”. Ngay sau khi ký hợp đồng, Ban Bồi thường GPMB quận 2 đã được Công ty Sơn Kim ứng trước 100 triệu đồng, và sẽ được hưởng 2% tổng chi phí bồi thường, tái định cư và hỗ trợ thêm của chủ đầu tư.
“Nếu không có hợp đồng nói trên thì Công ty Sơn Kim buộc phải tự thương lượng trực tiếp với bà Trường và các hộ dân liên quan để bồi thường theo giá thị trường. Nhưng dựa vào hợp đồng trên, Ban Bồi thường GPMB quận 2 áp giá bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp, và cưỡng chế thu hồi đất của bà Trường là không trung thực với dân”, luật sư Hợp nhận định.
Vừa mất đất vừa bị nhục
Chiều 29/6, PV Báo Giao thông đã tìm đến nhà bà Trường. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi tận mắt chứng kiến gia cảnh của bà và các con trong khu đất còn lại của gia đình cạnh dự án Công ty Sơn Kim đang thi công. Cả gia đình khoảng 30 người sống trong những căn nhà tạm bợ bằng tôn, thường xuyên bị ngập nước.
Bà Trường cho biết, quy trình lập dự án của Công ty Sơn Kim người dân hoàn toàn không biết. Suốt nhiều năm khiếu nại, khiếu kiện, mãi đến đầu năm 2016, các hộ này mới hay tin Công ty Sơn Kim có chuyển 25 tỷ đồng tiền bồi thường vào tài khoản Ban Bồi thường GPMQ quận 2.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, việc tòa tuyên hủy quyết định của UBND quận 2 đúng pháp luật. Việc ban hành quyết định thu hồi đất không đúng đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người dân, làm cho vụ việc thêm phức tạp, kéo dài nhiều năm. Vụ việc chưa dừng lại mà có thể kéo dài và sẽ phức tạp hơn nếu hộ bà Trường khởi kiện đòi lại tài sản do chủ đầu tư đang chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp lý. Vì thế, UBND quận 2 nên chấp nhận bản án và yêu cầu chủ đầu tư tích cực thương lượng với bà Trường để sớm kết thúc vụ việc. |
Cũng theo lời bà Trường, thiệt hại mà bà và các hộ con cháu trong gia đình phải gánh chịu trong những năm qua là không thể kể xiết, trong đó có cả sự tủi nhục. “Năm 2011, khi bị đoàn liên ngành của quận 2 đến cưỡng chế, gia đình tôi không chấp hành thì bị còng tay đưa lên trụ sở phường. Tôi và hai đứa con bị kéo lên xe, còn con gái Trần Thị Ân đang ẵm con nhỏ 7 tháng tuổi bị cán bộ gỡ ra để còng tay đưa đi, con trai Trần Hữu Phú cũng bị còng.
Sau đó, đoàn cưỡng chế đã kéo sập 4 căn nhà của gần 20 nhân khẩu đang lưu trú. Toàn bộ các vật dụng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt của các hộ dân từ: Giường, ghế, nồi cơm, máy giặt, đồng hồ điện, nước… đều bị tạm giữ cho đến nay chưa trả lại…”, bà Trường ứa nước mắt khi kể lại với PV, đồng thời cho biết, sau phiên tòa, chủ đầu tư đã tới nhà thương lượng nhưng một mình bà không có quyền nên chưa dám quyết gì.
Nhớ lại tình cảnh đó, ông Phú (con trai bà Trường) xót xa: “Chúng tôi thấy nhục nhã khi bị còng tay bắt lên phường và bị xem như tội phạm… Tình cảnh lúc đó khổ trăm bề, không còn nhà chúng tôi phải đuổi heo, gà để dọn chuồng, dọn kho vào ở. Từ đó cho đến nay coi như sống tạm bợ, đứa nào chịu không nổi thì phải đi mướn nhà ở tạm”.
Cũng theo lời ông Phú, ông đã nhiều lần xin phép chính quyền cho dựng tạm nhà tôn để ở trên phần đất của mình nhưng đều bị làm khó. “Hễ dựng lên là bị chính quyền đến tháo dỡ. Gia đình chúng tôi sống ở đây từ trước năm 1975, đã đóng thuế, đăng ký quyền sử dụng đất đầy đủ nhưng đến nay xin cấp sổ đỏ không được và xây nhà cũng không xong. Con cháu trong gia đình đến tuổi đi học cũng không được gọi nhập trường. Xâu chuỗi lại các vấn đề, tôi cảm nhận chỉ vì không giao đất cho Công ty Sơn Kim mà cả gia đình lọt “sổ đen” của quận…”, ông Phú ngậm ngùi.
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, gia đình bà Trường đã đóng góp gần 20.000m2 đất cho Nhà nước với giá rẻ để làm các dự án đường: Xa lộ Hà Nội, đường sắt đô thị…, đồng thời đã chịu hơn 30 quyết định thu hồi đất của UBND quận 2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận