Nghỉ học, em Trung và Nam suốt ngày lang thang chăn thả trâu bên đường Hồ Chí Minh |
Ngại đi xa, cha mẹ để con ở nhà
Hai tháng nay, em Trần Văn Trung (ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê) lang thang chăn thả bò ở bên đường Hồ Chí Minh. Trung cho biết, từ đầu năm học, khi trường THCS Hương Bình của em sáp nhập với trường THCS Phúc Đồng, đường đến trường mới xa 5 km, lại băng qua đường Hồ Chí Minh, nên bố mẹ cho em nghỉ học. “Bố bảo đường xa, xe cộ nhiều không an toàn, cứ ở nhà để bố đi giữ trường cũ đã. Nghỉ học mãi, em buồn lắm”, Trung nói.
Cả ba anh em Trần Hữu Nam (xã Hương Bình) chỉ mới học mầm non và tiểu học cũng đang bị bố mẹ bắt nghỉ học. Mân mê tập sách vở mới tinh chưa dùng đến, Nam buồn rầu: “Em muốn đi học, muốn được đến trường để học chữ và gặp bạn bè, thầy cô”. Em Thắng (em trai Nam) mới 6 tuổi cũng nói: “Em muốn đi học, muốn biết chữ, muốn tự đọc sách, sao bố mẹ không cho em đi?”.
"Nếu để tình trạng các em không đến trường kéo dài đến tháng12, thì cho dù dạy thêm nhiều đi nữa cũng không thể kịp chương trình, kiến thức của các em sẽ không đảm bảo. Do đó, rất mong các phụ huynh sớm cho các cháu đi học”. Ông Trần Đình Hùng Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê |
Đã hai tháng nay, gần 600 em học sinh của xã Hương Bình chưa được đến trường vì phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường THCS Hương Bình vào hai trường THCS Phúc Đồng và trường THCS Hòa Hải. Vì “giận” chính quyền và nhà trường, nhiều phụ huynh còn cho cả các con đang học tiểu học, mầm non ở nhà. Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết, trong số 600 em nghỉ học thì chỉ có 247 em khối THCS, còn lại hơn 350 em thuộc khối mầm non và tiểu học.
Anh Trần Văn Hoàn (ở thôn Bình Trung, xã Hương Bình) có hai con đang học lớp 9 và lớp 5 đều nghỉ học. Anh Hoàn lý giải, cháu lớn phải nghỉ học vì đường đến trường xa gần 7km, ngày học hai ca thì cháu phải đạp xe gần 30 km/ngày, mà bố mẹ thì không thể đưa đón. Còn lý do để cháu nhỏ nghỉ học, anh Hoàn thú nhận để “gây sức ép lên chính quyền địa phương”.
Chị Võ Thị Hồng (thôn Bình Giang, xã Hương Bình) cũng nêu lý do con chị học lớp 9, phải chuyển sang trường THCS Hòa Hải cách nhà 8 km nên không đủ sức đạp xe đi học. “Đạp xe quãng đường dài không một bóng nhà dân, nếu xe hư hỏng dọc đường thì sao? Đạp xe mấy lần, con kêu mệt nên tôi cho con ở nhà, ở riết rồi giờ bảo đi học, nó cũng không đi”, chị Hồng nói.
Chuyện người lớn, trẻ nhỏ “vạ lây”
Ngày 30/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định, việc sáp nhập trường là chủ trương đúng, phù hợp với sự phát triển giáo dục, kinh tế và xã hội của địa phương. Bởi, năm học 2014-2015, số lượng học sinh THCS của xã Hương Bình chỉ có 247 em, dự báo đến năm 2020 chỉ có khoảng 200-250 em, không đạt tiêu chuẩn của trường THCS quy mô 16 lớp trở lên như quy định.
“Chúng tôi chỉ sáp nhập khối THCS, còn khối tiểu học, mầm non vẫn giữ nguyên, nhưng phụ huynh vẫn đồng loạt cho con nghỉ học. Ngày 12/10, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã đến trực tiếp xã Hương Bình gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phụ huynh, giải thích và vận động phụ huynh sớm cho con tới trường. Hiện, chúng tôi vẫn tiếp tục thuyết phục bà con”, ông Lý nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, hiện tỉnh đang thành lập các đoàn công tác để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đi học. Sở cũng đã có kế hoạch dạy bù cho các em. Riêng các em lớp 9, có thể có chính sách riêng để tuyển sinh vào THPT trong năm nay. Vì theo quy chế của Bộ GD&ĐT thì địa phương như Hương Bình có thể thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cũng khẳng định, nếu các em đi học đầy đủ và ổn định sớm thì Phòng GD&ĐT huyện sẽ yêu cầu các trường sắp xếp, bố trí lịch dạy bù cho các em và đảm bảo là kịp.
Trần Lộc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận