Hơn 600 người, 3 trực thăng tham gia cứu nạn
Sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục họp ứng phó với bão số 7 và mưa lũ ở miền Trung.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện nay, việc tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất ở khu vực Trạm Kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đang vô cùng khó khăn do khối lượng đất đá bị sạt lở rất lớn.
“Tại hiện trường hiện có 642 người tham gia ứng cứu, hàng trăm phương tiện như ô tô, cano, máy xúc, máy ủi…và 3 máy bay trực thăng làm công tác cứu nạn để khảo sát. Đến 16h30 ngày 13/10 đã san gạt 10km đường đất chỉ còn cách khu vực sạt lở của trạm kiểm lâm số 7 khoảng 2km. Có thể trong sáng nay sẽ tiếp cận được khu vực này và sau đó sẽ tiến vào điểm sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm cứu nạn”, đại tá Dũng nói.
Liên quan tới đoàn công tác 13 người bị mất tích khi trên đường ứng cứu sự cố thủy điện Rào Trăng 3, ông Dũng cho biết có 11 người là bộ đội, 1 phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền và 1 phóng viên.
Trong sáng nay, báo cáo nhanh thiệt hại về người do bão lũ gây ra vẫn chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 do địa phương đang xác minh. Theo đó, số liệu cập nhật mới nhất có 36 người chết (30 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ,) và 12 người mất tích.
Thiệt hại về tài sản ước tính 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập; 870ha lúa (tăng 278ha), 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp (tăng 1.726ha); 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi (tăng 176.060 con).
Về giao thông: 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình 03; Thừa Thiên Huế 16). Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà chưa thông tuyến.
Miền Trung có khả năng xuất hiện đợt lũ mới
Tin bão số 7 cập nhật tới 10h sáng nay, tâm bão đã nằm trên Vịnh Bắc Bộ, ngay phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10 vùng gần tâm bão.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 7 sẽ ảnh hưởng từ các tỉnh từ Thái Bình tới Nghệ An.
Trong sáng tới chiều nay, gió mạnh giật cấp 10 tại vùng ven bờ, trên đất liền có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Lượng mưa lớn tăng cường từ trưa nay tập trung tại Hòa Bình, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
“Mưa to, sóng lớn cần lưu ý tới hệ thống đê tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định. Mưa lớn cũng gây ra nguy cơ sạt lở cao đối với các tỉnh miền núi và ngập sâu đối với đô thị, đặc biệt Hà Nội”, ông Khiêm cảnh báo.
Đáng chú ý, theo sau bão số 7, ông Khiêm cho hay cơn áp thấp nhiệt đới đang di chuyển khá nhanh. “Dự kiến sáng mai áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông, nhiều khả năng mạnh thành bão số 8, đổ bộ các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, ông Khiêm nói và nhấn mạnh: “Tới 16-17/10 lại có không khí lạnh tăng cường kết hợp với áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 7, mưa lớn diện rộng tái diễn tại miền Trung, nguy cơ cao xuất hiện đợt lũ mới tại khu vực này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận