Một nạn nhân bị thương được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát - Ảnh: Văn Huế |
“Muốn kêu cứu mà không còn sức…”
Trưa 4/8, nằm trên giường bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn, nạn nhân đầu tiên vụ sập nhà 43 phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội được giải cứu là anh Nguyễn Vĩnh Đua (SN 1982, quê Bắc Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng, giọng run rẩy kể lại với PV Báo Giao thông: “Tối 3/8, cửa hàng nghỉ sớm nên khoảng hơn 22h, anh em đã lên tầng để đi nghỉ. Khi đang ngủ, tôi bỗng dưng nghe thấy tiếng động lớn phát ra, chưa kịp định thần thì chân tay và đầu đã bị gạch, kính đè lên. Lúc này, tôi nghĩ sẽ chết. Nghe tiếng mọi người tri hô bên ngoài, tôi muốn kêu cứu nhưng không thể nào hét được, toàn thân không có chút sức lực nào cả. Rồi tôi ngất đi, lúc tỉnh dậy thì đã thấy nằm trong này”.
Một nạn nhân may mắn chạy thoát ra ngoài khi căn nhà đổ sập là anh Nguyễn Hồng Chiến (SN 1999, quê Phú Thọ) cho biết, khi anh và hai người nữa đang nằm trên tầng 2 của căn nhà thì bỗng dưng nghe thấy tiếng rầm rất mạnh. “Sau vài giây trấn tĩnh, tôi lách qua khe cửa và tấm bê tông chắn ngang rồi chạy ra ngoài. Khi thoát ra ngoài, tôi nhìn lại thì thấy căn nhà là một đống đổ nát, bụi bay mù mịt”, anh Chiến kinh hoàng nhớ lại.
Cũng may mắn thoát chết nhờ ngủ dưới tầng 1, anh Bùi Văn Hậu (nhân viên làm bếp) cho hay, bình thường anh ngủ ở tầng 2 như mọi người, nhưng hôm xảy ra sự việc, tự dưng anh và ba người nữa lại ngủ ở tầng 1 và... không khoá cửa nhà. Vì vậy, ngay khi nghe tiếng động mạnh, tiếng kính vỡ, anh mở cửa và chạy được ra ngoài, những người còn lại theo hướng có ánh sáng cũng thoát ra được.
Hai người may mắn thoát chết vẫn chưa hết bàng hoàng - Ảnh: Văn Huế |
Thợ đào móng khai làm vỡ đường ống nước
Trao đổi với PV tại hiện trường, ông Trần Tuấn Anh (SN 1964), chủ ngôi nhà sập cho biết: “Tối 2/8, tôi đã gặp gia đình nhà số 41 và đề nghị dừng xây dựng vì sợ nhà cổ sẽ đổ, họ cũng bảo sẽ dừng lại và có thông tin gì sẽ báo lại. Nhưng không ngờ…”.
Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm hình sự Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nếu cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân sự cố sập nhà là do việc thi công đào móng gây ra thì đơn vị thi công (chủ thầu) phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại đã gây ra. Trường hợp chủ nhà có giao kết hợp đồng thuê đơn vị thi công công trình (chủ thầu) là người trực tiếp chỉ đạo việc thi công gây sập nhà ngoài trách nhiệm bồi thường dân sự còn có dấu hiệu tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được qui định tại Điều 229 BLHS. |
Ngồi thất thần bên ngoài ngôi nhà bị sập, bà Nguyễn Thị Lưu, sống ở ngôi nhà bên cạnh, là người chứng kiến sự việc từ đầu kể: Khoảng hơn 3h sáng 4/8, trước khi sự cố xảy ra, bà đã nghe thấy tiếng đào móng ngay nhà bên cạnh nên đã xuống nhắc nhở. “Nhìn thấy họ đào, tôi cảnh báo là làm như thế này không ổn đâu, vì nhà số 43 họ xây lâu năm, móng nhà nông, gần như không có móng, nếu tiếp tục đào thế này thì sập mất. Tôi cảnh báo nhưng họ không nghe rồi cứ thế làm tiếp. Tôi thấy vậy thì đi về nhà, nhưng vừa về nhà được 15 phút thì nghe tiếng đổ rầm rầm, ngó ra cửa sổ thấy ngôi nhà số 43 đổ sập hoàn toàn”, bà Lưu kể lại.
Bà Nguyễn Thị Thanh (hơn 60 tuổi, ở nhà phía sau ngôi nhà bị sập) cho hay, ngôi nhà số 43 đã được xây dựng từ lâu, không có móng nhà, gia chủ cũng đã gia cố tu sửa nhiều lần nhưng không chắc chắn. Bà cũng đã từng cảnh báo nhưng một số công nhân thi công bảo “không sao đâu”.
Theo báo cáo của Công an quận Ba Đình, nhà 41 Cửa Bắc do bà Nguyễn Thị Vân (SN 1934) làm chủ, xây dựng từ năm 1980 nên nhà xuống cấp. Đầu tháng 8/2016, UBND quận Ba Đình đồng ý cho sửa chữa xây dựng. Trần Tiến Tuân (SN 1985, trú Thanh Hoá) là người được thuê xây dựng lại nhà 41. Tuân thuê Bùi Quốc Tùng (SN 1986, trú tại Hà Nội) đào móng nhà. Khoảng 22h đêm 3/8, Tùng thuê Trần Văn Minh lái máy xúc đến đào móng nhà 41 Cửa Bắc, còn Tùng lái xe chở đất thải đi đổ. Nhóm của Tùng làm đến khoảng 3h thì phát hiện nhà 43 Cửa Bắc rung lắc và bị đổ sụp (hợp đồng làm việc chỉ thoả thuận miệng). Nguyên nhân ban đầu theo các đối tượng khai nhận là do trong quá trình thi công đã làm vỡ đường ống nước, dẫn đến lở móng ngôi nhà 43. Mặt khác, do nhà 43 Cửa Bắc xây dựng đã lâu (từ năm 1980), không có kết cấu bê tông nên đã dẫn đến bị sập.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra.
Khẩn trương rà soát những khu nhà lâu năm
Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc xảy ra khoảng 3h30 sáng 4/8. Ngay lập tức, lực lượng chức năng của thành phố gồm hàng trăm người cùng hàng chục xe chuyên dụng, xe cứu thương đã được huy động để giải cứu các nạn nhân. Ngay khi lực lượng chức năng có mặt, hiện trường được phong toả. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng ba Phó chủ tịch, Giám đốc Công an TP cũng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết, đối với khu nhà cổ, cũ như tại phố Cửa Bắc, khi làm cải tạo phải đánh giá hiện trạng các nhà xung quanh một cách cặn kẽ, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra. Đối với những đơn vị thi công sửa chữa nhà cũ cần phải có đủ trình độ, đủ năng lực, chuyên môn mới có thể đánh giá chính xác hiện trạng và có những biện pháp khảo sát, thiết kế ban đầu đảm bảo an toàn. |
Tại hiện trường, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho PV biết, ngôi nhà bị sập có diện tích khoảng 30m2, 3 tầng, 1 tum, trong đó tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên. Khi xảy ra vụ việc có 9 người đang ở trong nhà. Khi xảy ra sự cố, có 4 người tự thoát ra ngoài, 5 người bị mắc kẹt trong khu nhà sập. Đến 9h, có 3 người lần lượt được đưa ra khỏi khu vực nhà sập, được tiến hành sơ cứu, cấp cứu, đến nay đang dần hồi phục. Đến 11h30, hai trường hợp là anh Nguyễn Văn Quang (SN 1997, quê Phủ Lý, Hà Nam) và chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1993, trú Ba Vì, Hà Nội) là những nạn nhân cuối cùng được đưa ra ngoài và cấp cứu tại bệnh viện, được xác định là đã tử vong.
Ngay tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát lại những khu nhà xung quanh khu vực, có tuổi đời lâu năm để lên phương án hướng dẫn người dân tránh nguy hiểm, cải tạo điều kiện sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận