Đường bộ

8 tháng thi công, cầu vòm thép thuộc dự án 2.200 tỷ ở Huế dần lộ diện

17/08/2023, 14:13

Sau 8 tháng triển khai thi công, cây cầu vòm thép với chiều dài nhịp thông thuyền 180m thuộc dự án hơn 2.200 tỷ đồng ở Huế đang dần lộ diện...

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày trung tuần tháng 8, công trình cầu vượt sông Hương rộn vang tiếng máy. Tại công trường bờ Bắc, máy trạm trộn bê tông ầm vang, đội ngũ cán bộ, công nhân mướt mồ hôi dưới trời nắng “như đổ lửa”.

Tại đây, mố A1 cầu vượt sông Hương thuộc dự án hơn 2.200 tỷ đồng đã hoàn thành cọc khoan nhồi và bệ mố, chuẩn bị đổ bê tông thân mố. Trụ P1 cơ bản thi công xong các cọc khoan nhồi; trụ P2 hoàn thành cọc khoan nhồi, bệ mố đã đổ bê tông đợt 1; trụ P3 cũng đang đóng cọc khoan nhồi và đổ bê tông.

img

Công trình cầu vượt sông Hương thuộc dự án hơn 2.200 tỷ đang thi công.

“Ngay sau lễ khởi công chúng tôi huy động công trường, tập kết máy móc thiết bị, làm cầu công vụ dài hơn 350m, bố trí hệ thống phao dẫn luồng đảm bảo cho các thuyền rồng du lịch và phương tiện thủy lưu thông qua lại đảm bảo an toàn.

Hiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, chúng tôi tổ chức làm sớm, làm đêm. Ca sáng từ 6h sáng đến 10h-10h30 trưa, ca chiều từ 14h-18h và ca tối nối tiếp từ 18h-2h sáng. Hôm nào cần thiết tăng ca thì làm thâu sáng luôn, cố gắng làm nhanh nhất, phần hạ bộ cầu phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ”, đại diện nhà thầu Trung Chính cho hay.

Tại hạng mục công trình cầu vượt sông Hương này, nhà thầu cho biết đã lắp đặt trạm trộn, 2 giàn máy khoan, 6 sà lan và 4 cẩu lớn, cẩu lớn nhất 250 tấn, cùng quân số làm ca ngày và ca đêm gần 200 người.

“Yêu cầu công tác đảm bảo môi trường trong quá trình thi công rất nghiêm ngặt, nhà thầu cho biết, quá trình thi công các trụ cầu, bùn đất được đưa lên các sà lan lớn để chở vào bờ, sau đó các xe ô tô chở về bãi thải tập kết đã được chấp thuận.

Sông Hương đẹp thế chúng tôi cũng nỡ làm bẩn, cứ một đến hai hôm chúng tôi cử người đi nhặt rác, chai lọ nhựa cũng đã bố trí các bao tải móc sẵn dọc bên lan can cầu công vụ để đưa vào bờ”, đại diện nhà thầu chia sẻ.

img

Các cán bộ, công nhân đang làm việc dưới móng cầu quây kín bằng hệ thống cọc ván thép.

Nhà thầu Trung Chính cũng cho biết, khó khăn nhất hiện nay là công tác GPMB để thi công trụ P4 và mố A2 phía bờ Nam.

Qua công tác phối hợp tuyên truyền vận động của chủ đầu tư, chính quyền địa phương và nhà thầu, trước mắt người dân đã đồng ý bàn giao trước một ít mặt bằng phía bờ sông để thi công cọc khoan nhồi trụ P4...

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP Huế) có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng vào tháng 12/2022.

Giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng, do Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế thi công với thời gian 3 năm.

Theo chủ đầu tư, tổng vốn bố trí cho dự án đến nay hơn 762 tỷ đồng. Năm 2023 bố trí 660 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương là 310 tỷ đồng và nguồn ngân sách địa phương là 350 tỷ đồng.

img

Phối cảnh công trình cầu vượt sông Hương thuộc dự án 2.281 tỷ đồng

Tổng vốn giải ngân đến nay hơn 524 tỷ đồng. Năm 2023 giải ngân được hơn 422 tỷ đồng/660 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64%, tiến độ thi công và giải ngân vốn đều đáp ứng theo yêu cầu đề ra.

Chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế và các đơn vị liên quan cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB nhằm sớm giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công trụ P4, mố A2 và đường đầu cầu.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, tổng diện tích đất thu hồi cho dự án khoảng 35.700m2, trong đó phường Kim Long hơn 22.700m2 và phường Đúc gần 13.000m2. Các trường hợp bị ảnh hưởng GPMB tại Kim Long gồm có 26 thửa đất thu hồi, dự kiến TĐC 17 hộ (7 hộ chính, 10 hộ phụ) và phường Đúc 105 thửa đất thu hồi với 161 hộ (72 hộ chính, 89 hộ phụ).

Theo hồ sơ GPMB phạm vi phần cầu vượt sông Hương, 26 thửa đất thu hồi tại phường Kim Long tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân khoảng 58 tỷ đồng. Đến nay đã chuyển UBND phường xác nhận nguồn gốc đất 22 trường hợp, Phòng TN&MT thẩm định nguồn gốc đất 16 trường hợp, trong đó 9 trường đã có kết quả thẩm định, 7 đề nghị xác nhận bổ sung hồ sơ, Trung tâm PTQĐ TP Huế chuyển UBND phường xác nhận bổ sung. Tại phường Đúc, chính quyền phường đã xác nhận ban đầu đối với toàn bộ 105 hồ sơ thửa đất bị thu hồi. Hiện nay, UBND phường đang tiếp tục xác nhận bổ sung thông tin về đất đối với 19 hồ sơ theo yêu cầu của Phòng TN&MT.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa chủ trì cuộc họp về công tác GPMB, tái định cư dự án này, yêu cầu chủ đầu tư, UBND TP Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan sớm hoàn thành công tác GPMB.

Xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu huy động, nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, giải ngân hết số vốn đã bố trí cho dự án; đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật cầu vượt sông Hương trước ngày 15/10/2024.

Về quỹ đất tái định cư, UBND tỉnh thống nhất bố trí các hộ tái định cư di dời từ nút giao phía bờ Bắc cầu vượt sông Hương vào khu Kim Long giai đoạn 5; đường dẫn và nút giao phía bờ Nam cầu vượt sông Hương bố trí vào các khu tái định cư Lịch Đợi 2, Lịch Đợi 3 và khu Bàu Vá 1, Bàu Vá 2, Bàu Vá 4.

Giao UBND TP Huế phối hợp với chủ đầu tư dự án khu tái định cư hoàn thiện các thủ tục liên quan, thống nhất việc bàn giao, tiếp nhận, bố trí tái định cư theo đúng quy định; hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/8/2023.

Đối với đất tái định cư cho hơn 1km đường Nguyễn Hoàng (dự kiến 60 lô), giao UBND TP Huế chủ trì, phối hợp với Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Sở Xây dựng nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở khu Kim Long 5 (giai đoạn 1), quỹ đất sẵn có, phù hợp để bố trí tái định cư đảm bảo tiến độ yêu cầu của dự án.

Công trình cầu vượt sông Hương nối đường Kim Long và đường Bùi Thị Xuân với chiều dài khoảng 590m (bao gồm cầu và đường 2 đầu cầu, nút giao), trong đó cầu vượt sông Hương có chiều dài 350m. Đặc biệt, với chiều dài nhịp thông thuyền 180m, mặt cắt ngang 43m, đây là cây cầu vòm thép có chiều dài thông thuyền và bề rộng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

img

Công trường cầu vượt sông Hương nhìn từ phía ngoài vào.

img

Công nhân làm lồng thép cọc khoan nhồi tại công trường.

img

Nắng "như đổ lửa", ai cũng che kín thân người và mặc "áo điều hòa quạt gió".

img

Lồng thép cọc khoan nhồi đang được cẩu qua bãi tập kết.

img

Cạnh đó, công nhân đang tưới nước giảm bụi.

img

Cầu công vụ dẫn ra các trụ cầu trên sông Hương.

img

Trụ P1 và mố A1 đang thi công.

img

Đội ngũ nhân công đang làm việc tại mố cầu A1.

img

Trụ P1 đã thi công xong cọc khoan nhồi.

img

Đội ngũ cán bộ, công nhân làm việc dưới móng trụ cầu được bao quanh hệ thống cọc ván thép.

img

Đoạn khoang thông thuyền vươn cao của cầu công vụ, cạnh đó là trụ cầu phía bờ Nam.

img

Một trong những đèn chiếu sáng phục vụ thi công lấn tối, ban đêm...

img

Trong khi đó, trụ P4, mố A2... vẫn đang vướng mặt bằng.

img

Qua công tác tuyên truyền vận động, người dân đã đồng ý bàn giao một ít mặt bằng phía bờ sông để nhà thầu thi công cọc khoan nhồi trụ P4...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.