Chuyện dọc đường

8/3 không phải ngày đòi quà!

07/03/2019, 22:12

Một phụ nữ văn minh không bao giờ đòi quà. Vì đòi quà, gợi ý quà là hạ thấp mình, đi ngược với tinh thần ngày 8/3.

img

Có ai biết từ lúc nào mà ngày 8/3 trở thành ngày tặng quà phụ nữ không? Từ lúc nào ngày 8/3 thành áp lực, thậm chí là nỗi ám ảnh các quý anh, quý ông, và cả cậu học sinh cấp 2, cấp 3 vậy?

Có phải một xã hội trọng vật chất, quà cáp đã len vào tận góc nhà, thậm chí góc giường của đôi lứa?

Tôi đoán chẳng mấy bố mấy mẹ buồn tay search mạng xem ngày 8/3 là ngày gì. Tự nhiên thấy người ta bán hoa, bán quá ngập đường, thế là xốn xang, nhấp nhổm, thế là bên thì mong chờ, bên thì tự hiểu mình phải đáp ứng nỗi mong chờ ấy.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được hình thành từ các phong trào nữ quyền, đòi bình đẳng giới. Nói nôm na là thế giới chọn ngày ấy để cổ vũ các phong trào chị em đứng lên đấu tranh đòi được trả lương xứng đáng (tới tận ngày hôm nay, đa số nữ nhân viên có mặt bằng lương thấp hơn nam giới, dù làm việc như nhau); đòi đi bầu cử (phụ nữ Việt Nam tới tận cuộc tổng tuyển cử năm 1946 mới có quyền này); quyền tham dự vào các hoạt động vốn xem là đặc thù của nam giới; đòi được ghi nhận công sức và đối xử công bằng trong mọi ngóc ngách của cuộc sống mà phong trào #metoo mấy năm nay là ví dụ...

Và cũng từ tinh thần bình đẳng giới đó, một phụ nữ văn minh sẽ không bao giờ đòi quà. Nếu bạn hỏi một phụ nữ Pháp, Mỹ, Nhật... bạn sẽ thấy, họ vẫn thích nhận quà như mọi phụ nữ trên đời, nhưng đòi quà, gợi ý quà với họ là hạ thấp mình, đi ngược với tinh thần ngày 8/3.

img

Ở Việt Nam, chuyện quà cáp và phong trào khoe quà ngập tràn mạng xã hội đã đồng hóa không ít người tự vỗ ngực là văn minh và tự trọng nhất, biến họ thành những kẻ ngồi hóng chờ một động thái từ người đàn ông của mình. Rồi niềm vui, nỗi buồn, sự tủi thân của mình cũng từ đó mà ra. Hạnh phúc của họ phải chờ người khác mang tới và quyết định.

Đàn bà vốn sản sinh ra đàn ông, rồi cũng chính họ góp phần nhào nặn và làm sai hỏng đàn ông. Nhìn mà xem, chị em lớp lớp ngồi hóng quà, đá thúng đụng nia khi chưa thấy hoa, socola, mỹ phẩm, túi xách, nước hoa... cùng những lời ngôn tình.

Xem kìa, em A được tặng chiếc Lead mới tinh. Xem kìa, em B được bồ tặng hẳn chiếc bốn bánh. Xem kìa, cô này chồng tặng hẳn gói giảm mỡ, cắt mắt, cô kia được chồng cho đi Bali, Ma rốc kỷ niệm 8/3... Bao nhiêu hờn giận trách móc tuôn ra cùng nước mắt, sự dằn hắt.

Người đàn ông khốn khổ, trong ngày 8/3 vốn không được nghỉ làm, ngày 7/3 cũng không được nghỉ làm, cả tuần trước không được nghỉ ngày nào, con cái vẫn phải đón, nhức mỏi và kẹt xe vẫn đón chờ vào cuối ngày bỗng thấy rõ áp lực nặng nề. Không biết sức mình có thể làm người ấy vui không. Mà cái sức nặng của thủ tục ấy, gặp lúc chàng rỗng túi nữa thì chẳng phải là "đời quá đen" hay sao?

img

Vừa 14/2 xong, trước nữa là Tết tốn bộn lì xì cùng bao sắm sửa, chưa kể Giáng sinh với thủ tục quà cáp cũng nào có xa. Một năm với hàng đống ngày lễ lạt và kỷ niệm, ngày sinh, ngày cưới, ngày gặp lần đầu... Chưa kể, quay vòng năm này qua năm khác, ý tưởng quà tặng cạn dần, trong khi mong muốn của phụ nữ thì cứ tăng tiến: làm sao để quà đẹp hơn, độc hơn, bất ngờ hơn bây giờ?

Một anh facebooker nổi tiếng kết luận: Quà cáp ngày 8/3 mang tính mua chuộc, đổi chác nhiều hơn, chứ trong 100 anh chỉ một anh thực sự muốn mang niềm vui cho người phụ nữ của mình.

Khi tôi viết những dòng này, tôi đang ngồi tại tiệm tóc. Các nữ nhân viên mặt mày ủ dột, bí xị, dù anh chủ tiệm liên tục nhắc nhở: "Làm dịch vụ mà mặt buồn quá các em ơi".

Thật lòng tôi hiểu vì sao các cô buồn. Vào cái ngày chị em son phấn áo quần hò hẹn thì họ phải làm việc tới 11h đêm, phục vụ những phụ nữ khác làm đẹp để mai đi ăn tiệc. Mà chúng tôi, những người đã ngồi 6-8 tiếng để làm tóc cũng đang đau gãy cả lưng, vì tranh thủ thôi chứ cũng nào được nghỉ làm.

Ái chà, ai gây ra những nỗi buồn và áp lực này cho người người, nhà nhà thế nhỉ?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.