Ngày 14/12, tại Bạc Liêu diễn ra hội nghị Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Giao thông đến đâu du lịch bám theo đến đấy
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, chúng ta đầu tư hạ tầng giao thông đến đâu thì du lịch phải bám theo đến đấy, chỗ nào giao thông thông suốt thì du lịch sẽ phát triển tốt.
“Nếu làm du lịch mà không có giao thông thì không giải quyết được. Do đó, phải gắn kết hai chiều để cùng nhau phát triển”, ông Nhân lưu ý.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TP.HCM và ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp. Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng cần phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù.
“Đặc biệt là cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Nhân nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho rằng, các nội dung liên kết hợp tác cụ thể như phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực; quảng bá, xúc tiến; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch là phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển du lịch cả nước đã được đề cập trong dự thảo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, phù hợp với giải pháp liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, dù có tiềm năng rất đa dạng và phong phú, nhưng du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng.
Ông Trung cho rằng, đây là cơ hội để các cơ quan chuyên môn cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch gặp gỡ, trao đổi và bàn các giải pháp liên kết phát triển du lịch liên vùng; thống nhất các thể chế, cơ chế chính sách nhằm phát huy tối đa tiềm năng và sản phẩm du lịch từng địa phương.
9 công trình kết nối giao thông vùng ÐBSCL - TP.HCM - Ðông Nam bộ
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel cho biết, hiệu quả quy hoạch, phát triển kết nối địa phương trên các trục tuyến sản phẩm du lịch phụ thuộc phần lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, trở thành “điểm nghẽn” đối với sự phát triển chung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TP.HCM.
Theo ông Phong, những năm qua, nhận thức về vai trò của ĐBSCL đối với phát triển của TP.HCM và vai trò của TP.HCM đối với phát triển khu vực này chưa thật toàn diện, nên trên thực tế chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh hợp tác giữa các bên. Điều này thể hiện qua việc quy hoạch phát triển chưa có tính đồng bộ, phối hợp thiếu chặt chẽ và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính kết nối.
Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng.
"Việc đầu tư nguồn vốn ngân sách vào hạ tầng giao thông sẽ giúp tăng cường thu hút và đa dạng các hình thức đầu tư tư nhân, FDI vào các hoạt động du lịch, lữ hành và các ngành nghề liên quan", ông Phong nhấn mạnh và đề nghị, thời gian tới, cần tập trung đẩy nhanh kết nối về mặt giao thông trong cả bốn phương thức (đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không).
Đặc biệt, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đường thuỷ - một trong lợi thế của vùng ĐBSCL và mở rộng đường hàng không (đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành). Khi đã có vốn, cần tập trung đầu tư vào đẩy nhanh tiến độ 9 công trình có tác dụng kết nối giao thông vùng ÐBSCL - TP.HCM - Ðông Nam Bộ để làm tăng hiệu quả của các công trình.
Cụ thể, 2 công trình Vành đai 3 và Vành đai 4 của TP.HCM (vừa giảm kẹt xe ở thành phố, vừa tạo giao thông liên vùng Tây Nam Bộ và Ðông Nam bộ mà không phải vào nội thành TP.HCM); 3 công trình kết nối dọc ÐBSCL với TP.HCM gồm: cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, QL60 và QLN2; 4 công trình kết nối ngang ÐBSCL gồm: QL62, QL30, QL91 và QL80 - kết nối các tỉnh ÐBSCL với Campuchia.
Ngoài ra, đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng của vùng, tạo sự khác biệt rõ nét với các vùng du lịch phía Bắc và miền Trung; liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung; phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh; sự liên kết phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững.
Qua thống kê, du khách đến ĐBSCL năm 2018 đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 17%, trong đó du khách quốc tế có khoảng 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2017. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017.
Riêng 10 tháng năm 2019, tổng số lượt khách của cả vùng đạt khoảng 32 triệu lượt, trong đó khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Các con số cho thấy sự tăng trưởng vượt bật trong hai năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hoá và nguồn nhân lực dồi dào với gần 20 triệu dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận