Thời sự

9 điểm mới của Luật Báo chí sửa đổi

06/04/2016, 07:22

Với 442/445 ĐB nhấn nút tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Báo chí, có hiệu lực từ đầu năm 2017.

7

Quốc hội chính thức thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2017.  (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thanh Hải cho biết, tiếp thu ý kiến các ĐB, ngoài những quy định về phóng viên đã có, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chủ thể “phóng viên” với quy định chặt chẽ: Cấm hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật…”.

Một điểm mới đáng chú ý trong Luật báo chí sửa đổi lần này là đã rút ngắn thời gian cấp thẻ nhà báo lần đầu cho những người hoạt động báo chí. Cụ thể, Luật quy định: Người được cấp thẻ lần đầu là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; tốt nghiệp đại học trở lên; phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ (trừ Tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật; được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo). Trong luật hiện hành, điều kiện về thời gian công tác liên tục để được xét cấp thẻ là 3 năm, dài hơn so với luật sửa đổi.

Cũng liên quan tới thẻ nhà báo, với trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị khởi tố bị can, khi có kết luận không phạm tội của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí phải “trả lại” thẻ thay vì làm thủ tục “cấp lại” thẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son, người đứng đầu cơ quan soạn thảo cho hay, dự thảo luật lần này tổng kết lại có 9 điểm mới. Thứ nhất, quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Thứ hai, mở rộng đối tượng thành lập các cơ quan báo chí. Thứ ba, bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí. Thứ tư, về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí lần này đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm. Thứ năm, cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí sửa đổi còn bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí: Luật Báo chí mới quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí. Thứ bảy, quy định rõ về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Thứ tám, bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát; Cuối cùng, Luật Báo chí mới tổng hợp hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí…

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh, Luật Báo chí mới chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng không ngừng phát triển bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.