>> Chủ tịch Quốc hội: Nhân dân có quyền được biết việc thực hiện lời hứa của Chính phủ
>> Cả nước đã có 1.822km đường cao tốc, phấn đấu mục tiêu 3.000km vào năm 2025
396 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, công tác của các tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực.
9 tháng đầu năm 2023, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỷ.
Trong đó, có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng.
Riêng vi phạm liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, các tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo. Số lượng này đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1/10/2020-30/6/2023, các tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc.
Trong đó, giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án hằng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội, không quá 1,5%.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, 100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định.
Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Cũng trình bày báo cáo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, viện kiểm sát các cấp đã ban hành 14 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý liên quan đến đất đai.
Song, ông Lê Minh Trí thừa nhận, quá trình triển khai công tác còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.
Tỷ lệ bản án bị hủy, sửa chưa đạt chỉ tiêu
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, các báo cáo chưa nêu rõ những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện theo yêu cầu.
Một số tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp còn chung chung, chưa gắn với quá trình tổ chức thực hiện và chưa làm rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực, cụ thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Ông Bùi Văn Cường cho rằng, đối với lĩnh vực tòa án, tỷ lệ bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đối với lĩnh vực kiểm sát, một số trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân vẫn xảy ra. Việc truy tố trong một số trường hợp chưa chặt chẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận