Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong lịch sử hình thành và phát triển, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng. Hiện nay công tác này được xác định là vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta.
PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cương quyết loại trừ những đảng viên suy thoái, biến chất
Trong 93 năm hình thành và phát triển, công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng được Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Thực tế cho thấy, 93 năm qua, sự trưởng thành vững mạnh của Đảng luôn gắn liền với công tác "thanh lọc" đảng viên. Vì sự nghiệp của cách mạng, Đảng ta cương quyết loại trừ những đảng viên suy thoái, biến chất.
Từ những năm tháng hoạt động bí mật, đến khi giành được chính quyền bằng cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, và suốt thời gian Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng đều đặc biệt quan tâm đến xây dựng và chỉnh đốn.
Công tác kiểm tra của Đảng luôn khẳng định được vai trò là "ngọn đèn pha" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá trong "Sửa đổi lối làm việc" (năm 1947). Vụ án Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu bị tử hình (năm 1950) vì phạm tội tham nhũng là minh chứng rất rõ về giữ vững kỷ cương bất luận thời kỳ nào, đối mặt với gian khó ra sao.
Ngày nay, trong bối cảnh mới, Đảng ta khẳng định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để bảo vệ Đảng, vì sự tồn vong của chế độ. Và hơn 10 năm qua, nhiều cán bộ là Ủy viên Trung ương, thậm chí cả Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự vì những vi phạm, khuyết điểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rõ quan điểm này tại rất nhiều buổi tiếp xúc cử tri: "Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. Chứ không phải thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây".
Ông nhìn nhận thế nào về hiệu quả của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong 93 năm qua?
Chính việc làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn nên Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh và ngày càng xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Đây không chỉ là quan điểm của riêng cá nhân tôi mà còn được tuyệt đại đa số nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận.
Thực tiễn trong 93 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng.
Đặc biệt, những năm qua, Đảng ta đã và đang quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế, phong trào không ngừng nghỉ, là niềm tin của nhân dân, đòi hỏi của cuộc sống.
Quốc tế đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Trong một thập kỷ qua (2012-2022), Việt Nam tăng hơn 30 bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới.
Cũng chính sự quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Rõ ràng, việc "cưa đi cành cây sâu" đã tạo ra một thân cây tươi tốt, khỏe mạnh để phát triển vững mạnh.
Xây dựng và chính đốn là vấn đề sống còn của Đảng, chế độ ta
Cuộc chiến phòng chống tham nhũng “rực lửa” tiếp tục thắp sáng niềm tin
Theo ông, thời gian tới, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần tập trung vào "điểm nhấn" nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói "một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Vì vậy, tôi cho rằng, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét kỹ lưỡng những ưu điểm, khuyết điểm là việc làm mà Đảng ta cần tiếp tục phát huy.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Chúng ta biết, Nghị quyết Đại hội XIII coi "công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng" và "kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn" để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh "xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với sự nghiệp cách mạng của nước ta, quyết định tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ".
Quyết tâm chính trị của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là không thể phủ nhận, và điều này được tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Với quyết tâm như thế, Đảng ta sẽ tiếp tục đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến nhiều thắng lợi vĩ đại tiếp theo.
Về hoạt động sinh hoạt Đảng, theo ông có cần thay đổi gì để đảm bảo chất lượng, hấp dẫn, tránh hình thức?
Thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều Chỉ thị nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chính vì thế thông qua sinh hoạt thường kỳ, các chi bộ đã đóng góp vai trò quan trọng cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc sinh hoạt Đảng ở nhiều nơi còn nặng về hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, cần có giải pháp khắc phục để sinh hoạt Đảng phải thực sự được thực chất, mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên cần phải có tinh thần tự phê và phê, tránh hiện tượng "đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức".
Thời gian qua, rất nhiều cán bộ là người đứng đầu bị kỷ luật, vướng vòng lao lý đều được các cơ quan kiểm tra Đảng chỉ ra là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì thế, trong sinh hoạt cần khuyến khích thảo luận, tranh luận thẳng thắn, xây dựng; khuyến khích tự phê bình và phê bình, tiếp thu những ý kiến đúng đắn một cách cầu thị; không hách dịch, áp đặt ý kiến cá nhân; tránh trù dập người có ý kiến khác.
Đi đôi với đó phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước. Nếu kỷ luật Đảng mà lơ mơ, pháp luật không tốt sẽ dễ xảy ra hiện tượng lợi dụng để "lách".
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận