Thiệt hại trận mưa lũ lịch sử vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi tin bão mới lại xuất hiện trên biển Đông |
Tin mới cập nhật từ cơ quan khí tượng cho hay, một áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông của Philippin đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Khanun. Sáng sớm nay, 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 122,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ cho biết: Dự kiến khả năng bão số 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi của nước ta trong thời gian từ đêm chủ nhật (15/10) đến thứ 3 tuần tới (17/10) với cường độ dự kiến tại thời điểm này khoảng cấp 8, cấp 9; có khả năng lên đến cấp 10 hoặc cấp 11”, ông Tiến nhận định và lưu ý: “Khi bão số 11 đi vào phía Bắc Biển Đông lại gặp một đợt không khí lạnh mới sẽ tràn xuống vào khoảng ngày chủ nhật (15/10), hai hiện tượng này kết hợp với nhau sẽ tương tác và gây ra một đợt mưa vừa đến mưa rất to ở khu vực này”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, con số thiệt hại về người do trận mưa lũ vừa qua vẫn tiếp tục tăng, Tính tới thời điểm hiện tại đã có 93 người chết và mất tích. Trong đó, hai địa phương thiệt hại nhiều về người nhất là Hòa Bình (17 người chết và 15 người mất tích); Yên Bái (6 người chết và 16 người mất tích).
Nhận định về trận mưa lũ vừa qua, ông Tiến cho biết: Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tràn về đã gây ra một đợt mưa lũ lớn đạt đến mức lịch sử; đặc biệt tại Thanh Hóa, lượng mưa có nơi lên tới 500mm.
“Trong thời tiết mùa thu, thông thường nếu chỉ một hình thế thời tiết đã gây ra hiện tượng mưa vừa đến mưa to, thậm chí rất to; nhưng tại cùng một thời điểm cả hai hình thế kết hợp nên đã xảy ra hiện tượng mưa rất to, đạt đến mức lịch sử. Ngoài ra, cũng phải kể tới lý do biến đổi khí hậu, các trận mưa có tính cực đoan ngày càng gia tăng với tính chất ngày càng khó lường càng ngày càng lớn lên”, ông Tiến nói.
Theo đó, lần đầu tiên, thuỷ điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả lũ trong tháng 10. Trong quá khứ, vào cùng kỳ (tháng 10) tại đây đã mở 7 cửa vào các năm 1996, 1998 và 1999; mở 6 cửa vào các năm 1994, 1995, 1996, 2002 và 2007. Đây cũng là lần đầu tiên, trong tháng 10 tại hồ Hòa Bình mực nước lên đến 15.000m, lưu lượng 40m3/s cũng chưa từng xảy ra trong quá khứ.Thanh Hóa có những nơi lượng mưa lên đến 400-500mm. Sông Chu, Sông Mã: mực nước lên trên báo động 3 rất cao…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận