Một lọ nước hoa ước lãi 41%?
Nàng hậu Thảo Nhi Lê xuất hiện ấn tượng qua việc đem đến cho các Shark hành trình khám phá mùi hương. Từ việc đưa các Shark thả hồn bay bổng đến Grasse, Pháp để cảm nhận mùi hương hoa hồng Centifolia - đắt nhất trong giới nước hoa; đến du lịch Tây Úc để khám phá mùi hương của gỗ đàn hương, một trong những loại gỗ quý nhất thế giới.
Thảo Nhi Lê – Nhà sáng lập Nimai, đồng thời là một nhà sáng tạo nội dung, một influencer (người có sức ảnh hưởng) về thời trang và phong cách sống, một nữ doanh nhân xinh đẹp khiến dàn “cá mập” vô cùng hào hứng.
Khéo léo dẫn dắt các Shark đi từ việc cảm nhận mùi hương đến câu chuyện sáng tạo nên dòng nước hoa signature, á hậu Thảo Nhi Lê cho biết: Nimai là một dòng nước hoa niche (dòng nước hoa riêng biệt, được sản xuất giới hạn với các mùi hương độc đáo, hiếm gặp) mới được sản xuất tại Pháp và sẽ sớm ra mắt tại Việt Nam. Theo Thảo Nhi, Nimai trong tiếng Hindu nghĩa là “hình thành từ ánh sáng nội tại” với ý nghĩa và sự kết nối với bản thân, ý nghĩa thứ hai là “hai mảnh ghép” trong tiếng Nhật.
Đồng sáng lập với Thảo Nhi là Romain Leclef, người Pháp, xuất thân trong gia đình kinh doanh ngành nước hoa gần 200 năm và là người kế nhiệm đời thứ 7 của công ty.
Nimai được bắt đầu từ năm 2023 với số vốn đầu tư 300.000 đô la. Thảo Nhi cho biết đội ngũ đã dành hơn 6 tháng để tạo ra mùi hương của Nimai. Cô cho biết đủ tự tin để đem Nimai ra thị trường, khó có loại nước hoa niche nội địa nào có thể tốt hơn Nimai.
Giá bán dự kiến 170 USD (4-5 triệu đồng với mục tiêu lợi nhuận là 70 USD, tương đương 41%. Kế hoạch năm đầu tiên sẽ sản xuất 2.000 chai và bán trên thương mại điện tử số lượng 1.500 chai.
Làm kinh doanh, hãy tận dụng mạng lưới quen biết?
Shark Minh Beta băn khoăn về sự phù hợp giữa đối tượng khách hàng mục tiêu startup đưa ra là người có thu nhập 15 - 20 triệu đồng và giá bán của sản phẩm 170 USD, liệu họ có chịu chi?
Trả lời Shark, Thảo Nhi cho rằng điều này là bình thường bởi cô từng kinh doanh thời trang và biết giá cả thế nào là hợp lý. Cô cho rằng, tầng lớp trung lưu là một trong những tầng lớp tăng trưởng mạnh nhất ở Việt Nam. Người tiêu dùng luôn tìm kiếm sự độc đáo, chất lượng và sản phẩm có câu chuyện có thể tôn vinh bản thân. Vì vậy, mặc dù người tiêu dùng không có thu nhập cao như vậy nhưng họ có thể để dành tiền để mua thứ mình muốn, không chỉ thế còn thể hiện thứ họ có thể có.
Đồng ý với Founder, Shark Tillman Schulz cho rằng, điều này tương tự ở Đức và Châu Âu, có người mua đồ rẻ nhưng cũng có người mua đồ đắt tiền và lấy ví dụ về nước hoa Chanel Nº 5 “những năm trước, bạn là một chuyên gia khi sở hữu Chanel Nº 5, nhưng hiện giờ ai cũng mua nó”.
Dù vậy, Shark Minh Beta cho rằng vẫn gặp khó khăn để hiểu rõ tệp khách hàng của Nimai. Cạnh đó, Shark Nga đặt câu hỏi về mô hình kinh doanh. Trả lời Shark, Romain Leclef cho biết Nimai muốn bán online, B2C (Business To Consumer - doanh nghiệp tới người tiêu dùng) không chỉ Việt Nam mà bất cứ nơi nào trên thế giới.
Với câu trả lời này, Shark Tillman Schulz cho rằng đội ngũ sáng lập nên suy nghĩ thêm về chiến lược bán hàng, kênh thương mại điện tử là tốt nhưng sản phẩm Nimai cần hiện diện ở một cửa hàng ví dụ như cửa hàng miễn thuế.
Đáp lời, Thảo Nhi cho biết việc này hoàn toàn trong khả năng của cô vì một trong những người bạn rất thân của cô đang làm việc tại một trong những công ty miễn thuế lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, nàng hậu cũng cho biết có thể đưa sản phẩm vào Douglas ở Đức vì có kết nối. Nhà đồng sáng lập Romain Leclef có mạng lưới nước hoa khổng lồ ở Hàn Quốc, Indonesia, Pháp và Châu Á Thái Bình Dương để đưa sản phẩm vào thị trường offline nhưng đó là bước kế tiếp, bước đầu tiên năm nay là thị trường online.
Shark Tillman Schulz chia sẻ, chiến lược này sẽ khiến startup tốn thời gian để có mặt trên thị trường nhiều hơn. “Thảo Nhi có gần 1 triệu người theo dõi, công ty của Romain Leclef có bề dày 200 năm kinh nghiệm. Làm kinh doanh 80% dựa vào mạng lưới quen biết, hãy tận dụng điều đó”, vị CEO tập đoàn MDS (Đức) nêu ý kiến.
Shark Tillman Schulz tiếp tục đặt câu hỏi về cấu trúc sở hữu vốn. Đội ngũ sáng lập cho biết mỗi người chiếm 50% vì những gì người này có thì người còn lại thiếu, nên nếu ai nhiều cổ phần hơn thì cũng sẽ không thống nhất được hướng đi của công ty. Việc đồng đều cổ phần sẽ đảm bảo 2 bên không tranh cãi mà cùng nhau tìm giải pháp.
Tiếp theo, Shark Phi Vân đặt câu hỏi về kế hoạch phát triển sản phẩm và kế hoạch kinh doanh. Về sản phẩm, Thảo Nhi cho biết Nimai sẽ ra mắt 1 sản phẩm trước, một mùi hương đặc trưng, sau đó sẽ ra mắt nhiều sản phẩm khác, các dòng mỹ phẩm với mùi hương tương tự, có thể là nến thơm, kem dưỡng tóc, dưỡng thể và rất nhiều sản phẩm khác. Nimai sẽ khởi đầu là thương hiệu nước hoa niche nhưng sau đó sẽ trở thành thương hiệu mỹ phẩm lớn.
Về kế hoạch kinh doanh, Thảo Nhi cho rằng thật khó để chia sẻ vì startup đang ở giai đoạn đầu, chưa có lịch sử giao dịch, dữ liệu. Cô cũng không muốn hứa hẹn một con số tương lai vì chưa có cơ sở. Tuy nhiên, cô cho biết sẽ ra mắt sản phẩm vào cuối tháng 10, kế hoạch bán 1.500 chai trong 3 - 6 tháng. Sau đó sẽ có thể dự kiến những gì sẽ diễn ra tiếp theo, những con số cụ thể.
Vì sao 5 Shark từ chối đầu tư?
Vì startup chưa ra mắt sản phẩm cụ thể đồng thời cũng không hiểu rõ về ngành nước hoa nên Shark Bình quyết định không đầu tư.
Sau Shark Bình, Shark Lê Mỹ Nga cho rằng nước hoa là một đại dương đỏ, thị trường đầy sự cạnh tranh, có rất nhiều thách thức trong thời gian tới. Bà cho biết hiện tại công ty vẫn còn ở bước sơ khai, không chắc có thể cạnh tranh với những thương hiệu đình đám hiện nay trên khắp thế giới vì vậy không đầu tư.
Dành lời khen cho mùi hương của Nimai nhưng ở khía cạnh đầu tư, Shark Minh Beta cũng nói không.
Sau 3 lời từ chối, Shark Tillman Schulz chia sẻ: “Mặc dù nước hoa có nhiều loại còn đắt hơn, nhưng 170 USD vẫn là một giá khá cao. Trong khi đó, nếu bán sản phẩm vào cửa hàng miễn thuế hoặc bán lẻ, bạn sẽ phải khấu trừ thêm, phần lợi nhuận không còn được 70 USD nữa. Điều đó có nghĩa biên lợi nhuận sẽ thấp hơn hiện tại rất nhiều”. Ông quyết định không đầu tư và cho biết con số trong kinh doanh chưa thỏa mãn được ông.
Shark Phi Vân cho biết không có vấn đề với giá của sản phẩm, chỉ là chi phí giá thành đang cao, nếu thêm vào chi phí marketing, vận hành và các chi phí tương tự thì khả năng là lợi nhuận sẽ thấp.
Tuy nhiên bà đánh giá cao đội ngũ: “Tôi nghĩ hai bạn sẽ làm được, hai bạn đến đây hơi sớm, Nimai đang trong giai đoạn thử nghiệm thôi, bạn có vẻ cần tìm một nhà đồng sáng lập ngay lúc này hơn là một nhà đầu tư”.
Kết thúc cuộc gọi vốn không thành công với 5 Shark, Nimai ra về tay trắng.
Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 12 với 3 màn gọi vốn, trong đó có nhà phê bình ẩm thực người Pháp Benoit Chaigneau và sản phẩm nước mắm "Luxury" dạng xịt không nhận được cái bắt tay nào từ các Shark.
Tiến sĩ nghiên cứu công nghệ đến từ đại học bang Florida Hoa Kỳ, Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty cổ phần Maxdream Đỗ Hữu Quyết đã chốt deal với Shark Nga 5 tỷ đồng cho 7% cổ phần, trong đó là 1 tỷ đồng tiền mặt, 4 tỷ đồng còn lại là công sức để hỗ trợ Maxdream huy động nguồn vốn (có thể lên đến 10 triệu USD).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận