Hàng không Trung Quốc nổi tiếng vì chậm giờ |
Cơn ác mộng giờ giấc
Là Tổng giám đốc một Ngân hàng Australia ở Trung Quốc, Danny Amstrong quá quen với việc di chuyển ở Trung Quốc, bởi ông phải đi công tác vài lần mỗi tháng. Amstrong buộc phải làm quen với các tình huống như chậm chuyến, hủy chuyến ở sân bay Trung Quốc, theo BBC.
Điều đáng nói, hệ thống hàng không vốn “nổi như cồn” vì thất thường của Trung Quốc khiến Amstrong luôn phải lên kế hoạch dự phòng như: Đặt chỗ tại các hãng bay mà ông tin là sẽ… đỡ chậm hơn so với các hãng khác, chuyển ngay sang đi tàu hỏa cao tốc nếu chuyến bay bị trễ.
Thậm chí có lúc, Amstrong đã phải sử dụng các biện pháp quyết liệt nhằm khắc phục vấn đề giờ giấc, bằng cách thuê cảnh sát hộ tống tới sân bay để đón giám đốc điều hành công ty tới từ Australia khi vị này tới dự một cuộc họp cao cấp, nhưng lại bị hoãn chuyến bay từ Thượng Hải tới Bắc Kinh. “Chúng tôi đã quen với chuyện đó. Các phương án dự phòng còn khiến chúng tôi tốn kém tiền bạc”, BBC dẫn lời Amstrong.
Amstrong không phải là doanh nhân duy nhất gặp phải những trở ngại trong việc đi lại ở Trung Quốc, khi mà việc di chuyển bằng máy bay ngày càng trở nên hỗn độn ở quốc gia đông dân này trong nhiều năm gần đây. Lý do là Trung Quốc phải tiếp nhận quá nhiều chuyến bay một ngày trong vùng không phận của mình.
Năm ngoái, trang web chuyên về số liệu Sân bay FlightStats tiến hành xếp hạng đối với 188 sân bay hạng trung và các sân bay lớn trên thế giới, trên tiêu chí giờ giấc (số lượng chuyến bay khởi hành đúng giờ). Theo đó, có tới 14 sân bay Trung Quốc nằm trong nhóm 20 sân bay xếp cuối bảng này, với mức cất cánh đúng giờ luôn dưới 60%. Trong đó, giữ “kỷ lục” sai giờ nhiều nhất là Sân bay Hàng Châu - với tỉ lệ đúng giờ là 41%.
Năm 2014, những con số này thậm chí còn tệ hơn. Các sân bay lớn ở vùng Đồng bằng Trường Giang như Sân bay Phố Đông, Sân bay Hồng Kiều (Thượng Hải), Sân bay Hàng Châu và Nam Ninh là những sân bay tệ nhất thế giới về chậm giờ.
“Phát điên” ở trên không
Theo các chuyên gia hàng không, vấn đề là ở việc quân đội kiểm soát phần lớn không phận, khiến cho máy bay dân sự không có khoảng không để di chuyển, trong khi hàng không nội địa không ngừng tăng và các sân bay thì cứ xây mới một cách… “vô tội vạ”.
Theo Trung Hoa Nhật báo, các hãng hàng không dân dụng được phép sử dụng chưa tới 30% không phận, tỷ lệ này ở Mỹ là 80%. Chính điều này giống như một nút thắt cổ chai cho các máy bay chở khách. Hệ quả là không hiếm lần hàng loạt chuyến bay bị hủy, mỗi khi quân đội tiến hành các hoạt động diễn tập.
Năm 2015, các hãng hàng không Trung Quốc chuyên chở khoảng 440 triệu lượt khách, tăng 11% so với năm trước đó. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng được trông đợi là sẽ tăng thêm 758 triệu lượt hành khách mới trong vòng hai thập niên tới, đưa tổng số lượt hành khách đi lại hàng năm tính đến năm 2034 sẽ là 1,2 tỷ. Hiệp hội Công du Toàn cầu ước tính các thương nhân đi lại trong Trung Quốc đã chi 261 tỷ USD trong năm 2014, tăng 16,6% so với năm trước đó.
Một vấn đề nữa mà hành khách gặp phải ở các sân bay Trung Quốc là việc thiếu tính hiệu quả trong các vụ trì hoãn giờ bay, nói cách khác là thời gian chết. Trung Quốc không hề theo dõi những khoản tổn thất của các công ty phát sinh từ việc thiếu hiệu quả trong công việc.
Doanh nhân Amstrong nói, ông từng phải “muối mặt” xin lỗi khi chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn, điều mà ông gọi là “phát nản”, nhất là khi ông cần tới họp với các nhà quản lý điều hành hệ thống ngân hàng tại Bắc Kinh. Chưa kể, việc hành khách chậm chuyến phải “ăn trực, nằm chờ” tại sân bay rất nhiều. Trong khoảng thời gian đó, họ chẳng thể làm nổi việc gì bởi mạng wifi ở các sân bay này cũng giống như các kế hoạch bay.
Một câu chuyện khác của Peter Arkell, Giám đốc điều hành hãng chuyên về nhân sự của Australia, Carrington Day kể rằng, ông từng có chuyến bay theo kế hoạch sẽ rời Thượng Hải lúc 19h tối. Tuy nhiên, chuyến bay bị trì hoãn hơn 5 giờ đồng hồ do các vấn đề “kiểm soát không lưu” - một cách giải thích mập mờ mà các hãng hàng không thường nêu ra cho những lần cất cánh muộn giờ.
Peter Arkell lên máy bay khi đã quá nửa đêm và phải ngồi trên một chiếc máy bay thêm 3 giờ đồng hồ, rồi có thông báo chuyến bay bị hủy mà không giải thích lý do. Sau đó, ông và tất cả các hành khách được đưa ra khỏi máy bay trong tình trạng lờ đờ ngái ngủ, rồi đưa về khách sạn. Chuyến bay rốt cuộc cũng khởi hành vào… trưa ngày hôm sau.
“Bị nhốt trong một không gian chật hẹp như vậy, không rời đi đâu được mà cũng không biết lý do hay thông tin gì, điều đó sẽ khiến bạn phát điên”, Arkell nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận