Khu bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất |
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, DN đang quản lý khai thác 21 CHK trên cả nước này đã rà soát, lập kế hoạch đầu tư, cân đối nguồn vốn giai đoạn 2018-2025. Theo đó, sẽ có 15 CHK trọng điểm được đầu tư nâng cấp gồm các CHK quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài, Cát Bi, Phú Quốc, Cam Ranh, Vinh, các CHK Liên Khương, Tuy Hòa, Côn Đảo, Đồng Hới. Xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và xây dựng mới các Nhà ga hành khách CHK Điện Biên, Nà Sản, Lào Cai. Dự kiến, tổng mức đầu tư các dự án nhà ga, sân đỗ (chưa tính CHK quốc tế Long Thành) lên tới hơn 56,7 nghìn tỷ đồng bằng vốn tích luỹ từ hoạt động kinh doanh của ACV. Ngoài ra, cần hơn 20,7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các dự án trong khu bay bằng nguồn vốn tích luỹ từ hoạt động kinh doanh khu bay.
Riêng với CHK quốc tế Long Thành, ông Thanh cho biết, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 đến 2025 (các hạng mục do ACV đầu tư) khoảng hơn 92,1 nghìn tỷ đồng bao gồm nhà ga hành khách, khu bay, nhà ga hàng hoá. “Ngoài việc bố trí đủ vốn để đầu tư, hoàn chỉnh các CHK hiện hữu đáp ứng tốc độ tăng trưởng và khả năng khai thác đến năm 2030 và lập FS cho CHK quốc tế Long Thành, nguồn vốn còn lại để bố trí cho dự án Long Thành khoảng hơn 36 nghìn tỷ đồng (trong trường hợp ACV chia cổ tức tiền mặt dự kiến 9%/năm)”, ông Thanh thông tin.
Theo ACV, dự báo đến năm 2021, sản lượng hành khách thông qua cảng do ACV quản lý, khai thác sẽ đạt khoảng 137 triệu khách với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 10%/năm. Dự báo đến năm 2025, sản lượng hành khách thông qua cảng sẽ đạt khoảng 185 triệu khách với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2022-2025 đạt 7%/năm. |
Để cân đối vốn cho dự án CHK quốc tế Long Thành, ACV đề xuất 3 phương án: Không giữ lại cổ tức (khi đó, tỷ lệ % đảm bảo cho tổng mức đầu tư CHK quốc tế Long Thành là 39,1%); Giữ lại hơn 7.800 tỷ đồng cổ tức giai đoạn 2022 - 2015 (khi đó, tỷ lệ % đảm bảo cho tổng mức đầu tư CHK quốc tế Long Thành là 47,6%) và phương án chia cổ tức 50% tiền + 50% bằng cổ phiếu, ACV giữ lại hơn 5.800 tỷ đồng (khi đó, tỷ lệ % đảm bảo cho tổng mức đầu tư CHK Long Thành là 65%).
Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cơ bản nhất trí với dự báo sản lượng hành khách thông qua giai đoạn 2018-2021, định hướng 2025 cũng như kế hoạch đầu tư phát triển trong giai đoạn này của ACV. Cục Hàng không VN cũng kiến nghị Bộ GTVT giao ACV sử dụng nguồn vốn của ACV để triển khai ngay các dự án cấp bách, trực tiếp uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, căn cứ Luật Hàng không dân dụng VN, các đơn vị cần làm rõ những công trình nào thuộc ACV quản lý, rà soát xem có phù hợp quy hoạch hay chưa, đã giao cho ACV quản lý đất đai hay chưa. “Với những hạng mục công trình nào thuộc quy hoạch mà không giao cho ACV quản lý (công trình dịch vụ hỗ trợ như suất ăn, xăng dầu…), Cục Hàng không VN có trách nhiệm công bố danh mục, kêu gọi đầu tư, công khai minh bạch lựa chọn nhà đầu tư”, Thứ trưởng yêu cầu.
Đối với những hạng mục xác định là tài sản Nhà nước do Nhà nước quản lý (đường lăn, đường cất hạ cánh, hàng rào an ninh…), Thứ trưởng chỉ đạo rõ phải nghiên cứu kỹ trình Thủ tướng về cơ chế quản lý, đầu tư, khai thác, làm rõ lộ trình trước mắt và lâu dài. “Các cơ quan liên quan cần nhanh chóng rà soát lại những vấn đề trên để ngay trong tuần tới, Bộ có thể xem xét, phê duyệt kế hoạch này của ACV”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận