Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại buổi làm việc với đoàn công tác của ADB chiều nay |
Tại buổi làm việc ông Yasushi Tanaka, chuyên gia giao thông cao cấp của ADB cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều tuyến đường ven biển đang bị xói mòn bởi mực nước biển dâng. Thậm chí, tại một số khu vực trong nội đô ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường bộ còn bị ngập lụt bởi nước biển tràn vào qua các hệ thống thoát nước.
“Việc phát triển bền vững về mặt môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối tác quốc gia của ADB. Vì vậy, lĩnh vực giao thông cần phải thích ứng với những tác động này để đóng góp vào sự phát triển bền vững về môi trường”, ông Tanaka nói.
Trên cơ sở đó, ông Tanaka đề xuất triển khai dự án “Bảo vệ giao thông đường bộ trước sự tác động của nước biển dâng”. Đưa ra giải pháp để hiện thực hóa đề xuất này, ông Tanaka nói rằng, ADB dự kiến xây dựng một tuyến đường cao tốc chạy dọc bờ biển với thiết kế đường đắp, ta luy của đường sẽ chính là tường chắn sóng.
“Việc xây dựng tuyến đường này sẽ góp phần bảo vệ những vùng đất thấp, trũng như TP.HCM khi thường xuyên phải chịu tác động của ngập lụt do nước biển dâng. Chúng tôi dự kiến bố trí hỗ trợ kỹ thuật dự án vào năm 2017 để tiến hành nghiên cứu”, ông Tanaka nói và đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về chủ trương thực hiện, phạm vi, quy mô của công trình.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, đề xuất của ADB hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT về việc xây dựng tuyến đường ven biển. Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên với chiều dài khoảng 3.200km. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương ven biển triển khai quy hoạch thông qua các dự án đầu tư để sớm hình thành các đoạn tuyến, bao gồm một số đoạn tuyến đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
"Theo phân công của Chính phủ, Bộ GTVT đảm nhiệm việc xây dựng các cầu vượt sông, còn lại các tuyến đường chủ yếu do địa phương huy động các nguồn lực để làm, trong đó bao gồm cả vốn ngân sách, Trái phiếu Chính phủ và vốn ODA”, Thứ trưởng Trường thông tin.
Chia sẻ thêm về đề xuất của ông Tanaka, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hoạt động vận tải biển và sông pha biển ở Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, tại các tỉnh ven biển phía Nam, nơi 9 nhánh của sông Cửu Long chảy qua, hiện còn khoảng 7 nhánh đang hoạt động. Các nhánh này là những cửa sông rất quan trọng để cho tàu biển vào đất liền. Nếu xây dựng các con đập hay tường chắn sẽ ngăn cản hoạt động của tàu biển và gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải. Việc làm đường để ngăn mặn sẽ không mang nhiều ý nghĩa, do đó ADB cần nghiên cứu thêm để triển khai các tuyến đường ven biển phục vụ hoạt động vận tải sẽ tốt hơn.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất và đề nghị ADB hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu triển khai. Việc đầu tư xây dựng sẽ chủ yếu tâọ trung kết nối các tuyến đường ven biển là chính, còn vấn đề chống xâm nhập mặn là một đề án riêng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và thảo luận một số vấn đề khác liên quan đến đề xuất của ADB về dự án kết nối các vùng phía Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đề xuất mở rộng cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai lên 4 làn xe, dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn,…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận