PV Vĩnh Phú và Linh Hoàng của Báo Giao thông bị hành hung khi đang tác nghiệptại cầu Tăng Long, ngày 8/6/2015 (Trong ảnh: Bác sĩ kiểm tra thương tích cho PV Vĩnh Phú) |
Nhà báo bảo vệ sự thật, đi tìm công lý, nhưng dường như họ lại không nhận được sự bảo vệ tương xứng khi dấn thân.
Thời điểm cuối năm 2015 - đầu năm 2016 có lẽ là thời gian đầy “sóng gió” với giới báo chí khi liên tiếp phải chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị côn đồ hành hung, cướp công cụ tác nghiệp sau khi thực hiện các loạt bài điều tra vạch trần tiêu cực.
Phóng viên điều tra liên tiếp “gặp nạn”
15h30 ngày 8/6/2015, hai PV Vĩnh Phú và Linh Hoàng của Báo Giao thông đang tác nghiệp tại cầu Tăng Long (phường Long Trường, quận 9, TP HCM), ghi nhận tình trạng xe chở cát có dấu hiệu quá tải ngang nhiên lộng hành thì bất ngờ bị một nhóm đối tượng xông đến đánh đập, cướp máy quay phim. Trong khi PV Linh Hoàng bị một đối tượng cầm đá đập thẳng vào đầu rồi xông vào đánh, PV Vĩnh Phú cũng bị các đối tượng khác đánh, đấm túi bụi khiến cả hai phải bỏ xe chạy khỏi hiện trường. Các đối tượng này vẫn không buông tha và truy đuổi hơn 500m khiến hai PV phải chạy xuống phía bờ sông gần đó để lẩn trốn.
Ngay sau đó, CSĐT Công an quận 9 nhanh chóng có mặt tại hiện trường và nói sẽ điều tra, làm rõ vụ việc. Chỉ sau hai ngày, CSĐT đã khởi tố vụ án. Tuy nhiên, gần 9 tháng sau đó, vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ và một ngày cuối tháng 3/2016, đại diện cơ quan CSĐT Công an quận 9 cho PV Báo Giao thông biết, đã đình chỉ điều tra vụ án vì hết thời hạn điều tra. Theo cơ quan CSĐT, quá trình điều tra, đơn vị này đã xác định đối tượng khả nghi nhưng không có kết quả, nên khi nào có thông tin liên quan đến vụ án sẽ phục hồi tiếp tục điều tra (?)
Tại Thái Nguyên, khoảng 7h sáng 4/9/2015, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (SN 1971, Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên) điều khiển xe ô tô chở vợ là chị Phạm Kiều Nhi (SN 1975), khi đến giữa cầu Gia Bảy (TP Thái Nguyên) thì bất ngờ bị hai thanh niên đi máy không đội MBH chặn đầu xe. Khi xe vừa dừng lại, hai đối tượng hung hãn cầm búa đập vỡ cửa kính bên phía lái xe, sau đó lùa dao vào chém anh Quang khiến anh bị thương. Trước tình thế nguy hiểm, anh Quang mở cửa bên kia và lôi vợ ra khỏi xe, bỏ chạy trước sự truy sát hung hãn của hai tên côn đồ. Tuy nhiên, hai đối tượng trên vẫn tiếp tục đuổi theo và chém nhiều nhát vào lưng, bả vai và tay phải của nạn nhân sau đó mới lên xe rời khỏi hiện trường. Tổng cộng, anh Quang bị các đối tượng chém 8 nhát trên vùng vai, tay, thắt lưng, trong đó có hai vết thương sâu phải thực hiện tiểu phẫu.
Bốn tháng sau khi xảy ra vụ việc, ngày 2/1/2016, cảnh sát bắt được chủ mưu trong vụ án. Có lẽ, đây là vụ án may mắn và hiếm hoi mà cơ quan CSĐT vào cuộc và tìm ra thủ phạm, giúp làm sáng tỏ vụ việc trước “cơn bão” dư luận.
Sang năm 2016, dư luận lại một lần “dậy sóng” khi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) bị côn đồ hành hung ngay giữa ban ngày. 7h45 sáng 23/3, khi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đi tới khu vực chung cư Kim Lũ (phía sau Đại học Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ bị ba đối tượng phục kích và tấn công tới tấp. Sự việc chỉ diễn ra trong vài phút, một đối tượng ôm, giữ nhà báo để hai đối tượng đánh, chúng cứ nhằm vào đầu và vụt tới tấp. 10 ngày sau, công an cho biết, đã xác định được ba đối tượng đánh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từ việc trích xuất camera trong khu vực gần hiện trường. Tuy nhiên, đến ngày 2/6, Công an TP Hà Nội có văn bản trả lời về vụ việc và cho biết, “chưa rõ đối tượng và phương tiện gây án”.
Nhiều vụ hành hung nhà báo bị “chìm xuồng”
Chia sẻ với Báo Giao thông về kinh nghiệm để tự bảo vệ mình của các nhà báo điều tra, trước khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, thông thường, các PV điều tra thường khó bảo vệ mình khi gặp các đối tượng manh động trong xã hội. Tốt nhất khi làm bài điều tra thì không nên lộ diện vì khi đã bị lộ thì rất khó bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, với việc làm truyền hình, theo anh Quang, không lộ diện cũng khó, bởi cần có phỏng vấn và dẫn hiện trường, trong những trường hợp ấy, nếu làm mờ mặt PV thì sẽ thiếu tính khách quan, thuyết phục, còn khi PV lộ diện, ắt hẳn họ sẽ phải đối mặt với hiểm nguy. “Các đối tượng xấu luôn ở trong bóng tối, còn chúng ta ở ngoài ánh sáng thì phòng tránh thế nào? Rất khó, vì nhiều vụ rồi nhưng hầu như không phòng tránh được. Điển hình như vụ việc của tôi, chúng theo dõi và nắm sát lịch trình trong cả một tuần mới ra tay hành động mà mình không biết được”, anh Quang chia sẻ.
Chính vì thế, rất cần có một cơ chế bảo vệ nhà báo khi họ tác nghiệp. “Trên thực tế, rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được phanh phui là nhờ báo chí, nhưng khi xảy ra những vụ việc nhà báo bị hành hung vì chống tiêu cực, ít có cơ chế bảo vệ họ, bằng chứng là rất nhiều vụ nhà báo bị hành hung đều “chìm xuồng”. Có thể do bản thân nhà báo lo sợ bị trả thù và không dám đấu tranh đến cùng, nhưng rõ ràng cũng có phần do các cơ quan chức năng thiếu minh bạch, chưa thực sự làm hết trách nhiệm của mình”, nhà báo Ngọc Quang nhận định và cho rằng, vụ của anh may mắn đã tìm ra hung thủ, nhưng rất nhiều vụ khác của các đồng nghiệp đã không được làm rõ, khiến nhà báo điều tra ít nhiều bị nao núng.
Sau khi bị hành hung, chia sẻ với Báo Giao thông về vụ việc, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho hay, trước sự việc này, anh đã từng bị đuổi, bị đánh, bị vây và bị dọa giết rất nhiều, thậm chí dọa giết cả gia đình, nhưng chưa bao giờ bị đánh một cách có tổ chức và phục kích kỹ như lần này. “Chúng chỉ nhằm vào tôi, tấn công tôi, còn gia đình chưa bị đe dọa gì, nhưng cũng không có nghĩa là sắp tới chúng sẽ không động đến, tôi rất sợ vì nghĩ khi không làm gì được tôi, chúng sẽ nhằm vào gia đình tôi. Thông điệp của tôi là tôi cần được bảo vệ để tiếp tục chiến đấu. Giờ tôi không biết ai đang thù tôi, nếu biết tôi sẽ dừng lại bước điều tra của mình, vì tính mạng mới là quan trọng. Tôi cũng là một nhà báo biết tự bảo vệ mình, từng giảng dạy môn phóng sự điều tra bao nhiêu năm, nhưng cuối cùng tôi không bảo vệ được mình. Vậy ai sẽ bảo vệ các nhà báo?”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trăn trở.
Từng tham gia thực hiện nhiều loạt bài điều tra phanh phui tiêu cực, nhà báo Long Nguyễn (Báo Lao động) chia sẻ, mỗi khi thâm nhập để lấy tư liệu, kể cả vào những nơi nguy hiểm nhất, anh thường có một suy nghĩ: “Kể cả những kẻ hung đồ, thì họ cũng là con người với bản chất lương thiện. Chẳng qua hoàn cảnh xô đẩy họ đến bước đường như vậy và nhất định họ sẽ không muốn reo rắc thêm tội lỗi bằng cách đối xử tệ bạc với nhà báo, ví dụ như đánh đập, hành hung... Tất nhiên, điều đó không có nghĩa tôi không có các phương án tự phòng vệ cho chính mình. Thông thường, nếu tôi là người thâm nhập, sẽ có một đồng nghiệp chờ ở ngoài và cả hai kết nối với nhau qua tín hiệu 3G (trong trường hợp có sóng). Những bức ảnh, thước phim đắt giá khi quay, chụp được tôi thường gửi ngay cho đồng nghiệp và cũng không quên dặn trong một thời gian nhất định, nếu không thấy tôi trở ra thì nhớ gọi cho cơ quan chức năng”.
Trong khi đó, theo nhà báo Nguyễn Hoài Nam, nguyên PV điều tra Báo Thanh niên, để bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tác nghiệp, PV nên học kỹ hai thủ pháp nhập vai. Khi nhập vai điều tra một đề tài nào đó, PV phải tìm hiểu kỹ về đề tài mình chuẩn bị nhập vai, điều kiện thuận lợi hay khó khăn ở khâu nào và đâu là điểm đột phá để đề tài thành công…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận