Đối tượng nào chịu tổn thương nặng nhất bởi dịch Covid-19?
Theo TS Chang-Hee Lee, Giám đốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, tới nay, vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ước tính mới của ILO, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu.
Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.
“Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam. Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động”, ông Lee phân tích.
Trước tình hình hiện nay, ông Lee cho rằng, nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ.
“Phần đông lao động phi chính thức không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19 này, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hay không muốn tự cách ly khi cần, như vậy, họ tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cho thêm nhiều người”, vị giám đốc ILO Việt Nam nói và cho biết: Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số hai triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình.
Cần chú ý tới DN siêu nhỏ, hộ kinh tế gia đình
Đánh giá cao về các gói chính sách kích thích nề kinh tế, hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai, song ông Chang-Hee Lee cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm”
Bên cạnh đó, Việt Nam cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn.
“Đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế xã hội.
Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ”, Giám đốc ILO Việt Nam phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận