Liên quan vụ hàng chục tiểu thương ở chợ Long Biên, Hà Nội phải nộp tiền để xin chỗ ngồi bán hàng, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng để làm rõ hành vi bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.
Điều tra ban đầu xác định, mỗi ngày nhóm này thu từ 10-30 triệu đồng, hàng tháng thu từ 400-500 triệu đồng, tương đương khoảng 5-6 tỷ đồng mỗi năm. Việc thu tiền không có hóa đơn, chứng từ.
Theo dõi vụ án, tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của 7 đối tượng nêu trên gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự công cộng, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân và quyền tự do kinh doanh.
"Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản", luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo ông Cường, pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do kinh doanh của mọi tổ chức, cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp các khoản thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí. Chỉ có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mới được phép thu thuế, phí của các hộ kinh doanh.
Bởi vậy, ngoài các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc theo thỏa thuận dân sự thì các hoạt động thu thuế phí, yêu cầu các hộ kinh doanh nộp tiền đều trái pháp luật.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, các đối tượng đã đe dọa uy hiếp tinh thần của nhiều tiểu thương, yêu cầu họ nộp tiền thì đây là hành vi cưỡng đoạt tiền. Do đó, cơ quan điều tra bắt giữ các đối tượng này về hành vi cưỡng đoạt tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.
Cũng theo luật sư, sau vụ án liên quan Hưng Kính và đồng phạm bị cơ quan công an triệt phá chưa lâu, nay lại xuất ổ nhóm bảo kê mới ở chợ Long Biên cho thấy khu vực địa bàn này khá phức tạp.
"Có thể công tác quản lý của ban quản lý chợ, của địa phương nơi đây chưa tốt dẫn đến các tiểu thương phải nộp nhiều khoản phí ngoài quy định, bị đe dọa uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự", luật sư Cường nhìn nhận.
Từ quan điểm đó, luật sư cho rằng ngoài xử lý các đối tượng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ có hay không hành vi bao che cho sai phạm của nhóm đối tượng này?
Đồng thời, làm rõ nguyên nhân tại sao lại xuất hiện thêm nhóm đối tượng hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của các tiểu thương như trình báo của họ.
Ông Cường khẳng định, việc quản lý mặt bằng và thu thuế phí theo quy định phải được thực hiện trên cơ sở trách nhiệm của ban quản lý chợ, UBND phường và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
"Để xảy ra vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, theo tôi, cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra", luật sư nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận