Trong những ngày qua, Báo Giao thông đã thông tin vụ chiếc việc du thuyền của Công ty T - Yacht bốc cháy ngùn ngụt trên sông Sài Gòn. Vụ cháy xảy ra khoảng hơn 17h ngày 10/11 tại khu vực sông Sài Gòn ở tổ 7, ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Ngoài việc thiệt hại tài sản, nhiều thông tin khá bất ngờ về “thân thế” của chiếc du thuyền này cũng dần được hé lộ.
Hiện trường vụ cháy chiếc du thuyền do Công ty T - Yacht điều hành. Nhiều người hét lớn và bỏ chạy vì sợ du thuyền phát nổ
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Trần Khánh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền T-Yacht (Đơn vị điều hành du thuyền - PV) cho biết phương tiện mang số hiệu SG - 8797.
Qua đối chiếu dữ liệu, đại diện Chi cục Đăng kiểm 6 (Cục đăng kiểm) cho biết phương tiện SG - 8797 không hề có thông tin trên hệ thống. Đồng nghĩa với việc, phương tiện này chưa được đăng kiểm.
Nhìn nhận về vụ việc du thuyền trên bị cháy ngùn ngụt trên sông Sài Gòn, luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, nếu chiếc du thuyền nói trên không hề có thông tin trên hệ thống đăng kiểm. Điều này đồng nghĩa với việc du thuyền nêu trên chưa hề đăng kiểm. Như vậy du thuyền không đủ điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, sửa đổi bổ sung 2015.
Luật sư Thường cho hay hành vi không đăng kiểm số hiệu hoạt động và sử dụng biển số giả của du thuyền thuộc Công ty TNHH Du thuyền T-Yacht có thể bị xử phạt hành chính 3 - 20 triệu đồng tùy theo trọng tải phương tiện (Điều 15 Nghị định 139 năm 2021 của Chính phủ). Việc đưa phương tiện không đủ điều kiện vào hoạt động, chủ phương tiện, người thuê phương tiện có thể bị phạt đến 35 triệu đồng (Điều 20 Nghị định 139 năm 2021 của Chính phủ).
Một câu hỏi khác liên quan đến chiếc du thuyền tiền tỷ này khiến dư luận rất quan tâm là du thuyền trị giá nhiều tỷ đồng lại không có trong hệ thống đăng kiểm Việt Nam nhưng vẫn được nhập về hoạt động như vậy liệu có dấu hiệu của nhập lậu, buôn lậu hay không?
Luật sư Thường nhìn nhận: "Nếu đưa hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không qua đăng kiểm vào khai thác thì có thể bị truy tố về tội buôn lậu. Người phạm tội có thể đối diện với mức phạt lên đến 20 năm tù. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt tiền lên đến 3 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015)".
Bên cạnh đó, theo điều 274 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động (chiếc du thuyền bị cháy - PV) có thể đối diện với mức phạt lên đến 15 năm tù (trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, thậm chí là thiệt hại về tính mạng của người khác), người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Thường, trong vụ việc này các cơ quan chức năng cần xác định và có kết luận nguyên nhân cháy từ đâu từ đó mới có hình thức xử lý thích hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận