Dự án lấy thu bù chi?
Những ngày qua, trong quá trình ghi nhận xe quá tải phục vụ dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc, Thái Nguyên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hàng ngày, các sà lan cát sỏi, đất đá đều được vận chuyển từ hồ Núi Cốc về bãi tập kết, chế biến của Chi nhánh Công ty CP Đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt tại Thái Nguyên (Chi nhánh Công ty Đại Việt).
Bãi tập kết trên rộng hàng chục ha tại xóm Khuôn Năm, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Đơn cử, lúc 10h20, ngày 22/7, có 4 tàu công suất hàng trăm tấn vận chuyển cát sỏi và đá cuội khai thác được từ lòng hồ Núi Cốc cập bãi. Theo ghi nhận của PV, các sản phẩm nạo vét ở đây phần lớn là cát sỏi, đá cuội và bùn đất... tất cả đều là khoáng sản, được chia tách, đưa đi tiêu thụ.
Trong đó, cát, sỏi đạt tiêu chuẩn sẽ được thu gom, bán cho các xe vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ. Riêng bùn đất được đưa đến bể lắng để tách riêng đất sét, có giá trị kinh tế cao sẽ được vận chuyển đến các lò gạch tiêu thụ.
Loại bùn đất còn lại sẽ được phơi khô, đưa đến các công trường phục vụ san lấp. Ngay cả đá, cuội to cũng được đưa đến hệ thống máy nghiền công suất lớn được lắp đặt ngay trên bãi để chế biến thành cát vàng, có giá trị kinh tế cao.
Hệ thống dây chuyền nghiền cát từ đá, cuội của Chi nhánh Công ty Đại Việt tại hồ Núi Cốc.
Ông Trần Văn Lê, Giám đốc Chi nhánh Công ty Đại Việt xác nhận: "Dự án triển khai với mục tiêu lấy thu bù chi nên tất cả các sản phẩm được nạo vét từ lòng hồ Núi Cốc đều được chúng tôi tận dụng, đem bán.
Theo đó, thay vì phải bỏ tiền ngân sách để nạo vét lòng hồ Núi Cốc, từ năm 2014 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh này cấp phép cho Chi nhánh Công ty Đại Việt nạo vét, tận thu các sản phẩm đi kèm tại hồ Núi Cốc. Hàng năm, chúng tôi vẫn tự hạch toán, bảo đảm đủ chi phí hoạt động của dự án".
Sản lượng do doanh nghiệp tự kê khai, báo cáo
Được biết, dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép hoạt động 15 năm (từ năm 2014 - 2029), tổng khối lượng nạo vét là hơn 11 triệu m3.
Trong đó, giai đoạn 1 (5 năm đầu) là hơn 3 triệu m3; giai đoạn 2 (10 năm tiếp theo) là gần 8 triệu m3. Dự án được cấp phép thực hiện trên tổng diện tích hơn 1.452 ha; tổng mức đầu tư được cấp thực hiện là hơn 101 tỷ đồng.
Các tàu vận chuyển cát, sỏi, đá được nạo vét từ lòng hồ Núi Cốc về bãi tập kết của Chi nhánh Công ty Đại Việt.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi nhánh Công ty Đại Việt, đến ngày 31/12/2023, sau gần 10 năm thực hiện dự án, tổng khối lượng nạo vét đạt hơn 4,936 triệu m3, được thực hiện trên diện tích 375,24 ha. Tương đương mức sản lượng mới chỉ đạt 44,8% và 26,9% tổng diện tích được cấp phép, trong khi đã hết 2/3 thời gian thực hiện của dự án.
Chi nhánh Công ty Đại Việt cũng báo cáo, đến hết năm 2023, trong gần 5 triệu m3 đã nạo vét trên, đơn vị này mới chỉ thu được 367 nghìn m3 cát xây, cát bê tông; hơn 543 nghìn m3 sỏi, cuội và gần 12 nghìn m3 vật liệu san lấp. Riêng sỏi cuội thải loại, bùn từ quá trình tuyển rửa phân loại trực tiếp là hơn 1,2 triệu m3.
Cận cảnh bãi tập kết rộng hàng chục ha của Chi nhánh Công ty Đại Việt.
Trao đổi về tính chính xác và căn cứ của các số liệu trên, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Chi nhánh Công ty Đại Việt cho biết, hàng ngày đơn vị này đều tự thống kê sản lượng, hàng tháng đều tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở TN&MT.
Căn cứ về tính xác thực của số liệu trên chính là hợp đồng thuê khoán, biên bản nghiệm thu sản phẩm giữa công ty với các tổ, đội và đơn vị nhận thầu nạo vét, vận chuyển bằng tàu từ lòng hồ về bãi.
Về vấn đề trên, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Sở chỉ có trách nhiệm quản lý mặt nước trong khu vực lòng hồ Núi Cốc, kiểm soát hoạt động nạo vét đúng mốc giới, không vi phạm quy định về an toàn công trình thủy lợi và đê điều.
Sở Nông nghiệp và PTNT không nắm được sản lượng, công suất nạo vét của Chi nhánh Công ty Đại Việt trong dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Trách nhiệm này là của của Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên".
Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng: "Đơn vị cũng không nắm được công suất, sản lượng khai thác thực tế của Chi nhánh Công ty Đại Việt.
Giấy phép khai thác do Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh Thái Nguyên cấp. Sở TN&MT không quản lý dự án trên. Hàng năm, sau khai thác, đơn vị đều dựa vào số liệu báo cáo của doanh nghiệp và số tiền quyết toán của cơ quan thuế để xác định khối lượng đã khai thác để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản".
Ngày 22/7, PV Báo Giao thông đã đề nghị Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên làm rõ công tác thu, nộp thuế tại dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc trên. Trong đó, nêu rõ căn cứ và phương pháp xác định khối lượng, sản lượng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản tại dự án này.
Lãnh đạo Phòng tuyên truyền, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cho biết đã nắm được nội dung đề nghị, các đơn vị đang cùng các phòng liên quan kiểm tra, làm rõ để trả lời PV theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận