Pháp đình

Ai là người nhận nhiều tiền nhất vụ chuyến bay giải cứu?

05/04/2023, 05:30

Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhận hối lộ 180 lần với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng vụ chuyến bay giải cứu.

Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế hơn 180 lần nhận hối lộ, tổng số tiền lên đến 42,6 tỷ đồng

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh gồm: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

img

Phạm Trung Kiên, đối tượng nhận hối lộ nhiều nhất vụ "chuyến bay giải cứu"

Trong số các bị can bị đề nghị truy tố, có 21 người bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ, từ quan chức cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đến lãnh đạo cấp cục một số bộ ngành, hai Phó chủ tịch Hà Nội và Quảng Nam, trợ lý Phó Thủ tướng và trợ lý Thứ trưởng…

Người nhận hối lộ nhiều nhất lên đến 42,6 tỷ đồng, người ít từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Nhiều người đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, một số người nộp lại một phần.

Điều bất ngờ là người nhận hối lộ nhiều nhất là một cán bộ có chức vụ không cao: Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Theo kết luận điều tra, ông Phạm Trung Kiên với vai trò là thư ký của ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có hơn 180 lần nhận hối lộ với tổng số tiền lên đến 42,6 tỷ đồng để trình Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay hoặc người dân được về nước trong dịch Covid-19.

Tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp phải chi số tiền 50-200 triệu đồng/chuyến bay hoặc phải trả phí 0,5-1 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7-15 triệu đồng/người đối với khách lẻ, tuỳ từng thời điểm để được Bộ Y tế chấp thuận cho khách lẻ được về nước.

Ngoài ra bị can Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng phòng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản liên quan "chuyến bay giải cứu".

Kết quả điều tra xác định Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ với tổng số tiền là 42,6 tỷ đồng, là người nhận hối lộ số tiền lớn nhất so với các quan chức đã bị bắt trong vụ "chuyến bay giải cứu".

Cơ quan điều tra xác định Kiên đã nhận tiền từ 19 doanh nghiệp, cá nhân. Trong đó, bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky đã đưa cho Kiên 6 tỷ đồng để được cấp phép chuyến bay. Hoàng Diệu Mơ đã đưa cho Kiên hơn 5 tỷ đồng để cấp phép chuyến bay Công ty An Bình...

Nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nhận hối lộ số tiền ít nhất

Một số bị can khác cũng nhận số tiền lớn như bị can Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ tổng cộng 21,5 tỷ đồng và chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách thực hiện chuyến bay.

Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ 25 tỷ đồng rồi hướng dẫn doanh nghiệp ''thân cận'' mượn nhiều pháp nhân để xin chuyến bay, chỉ đạo cấp dưới chọn những doanh nghiệp này vào kế hoạch bay.

Bị can Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga nhận hối lộ với số tiền ít nhất, 437 triệu đồng. Ông Hùng lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận số tiền này từ bị can Đào Thị Chung Thúy, giúp bà này đưa các lưu học sinh và người thân từ Nga về Việt Nam.

Kết luận điều tra đánh giá hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước.

Vụ chuyến bay giải cứu khởi phát từ đầu năm 2022 khi Bộ Công an điều tra dấu hiệu nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Qua hơn một năm điều tra, nhà chức trách đã khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt bị can thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Nam...

Trong nhóm bị can bị đề nghị truy tố tội nhận hối lộ có ông Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của cựu Phó thủ tướng), Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), ông Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và một số đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola.

Ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

4 bị can bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ gồm Bùi Huy Hoàng (SN 1988, chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế); Phạm Thị Kim Ngân (SN 1982, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra, Thanh tra Chính phủ); Trần Quốc Tuấn (SN 1973, Giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại và Du lịch Việt Nam) và Nguyễn Anh Tuấn (SN 1962, cựu Thiếu tướng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.