Tuần qua, Tổ chức Space for Humanity (Không gian vì Nhân loại) thông báo quyết định tài trợ cho chuyến du hành vũ trụ của cô Amanda Nguyễn (32 tuổi) theo Chương trình Phi hành gia Công dân.
Cô sẽ bay vào không gian trong sự kiện phóng tàu vũ trụ New Shepard sắp tới của tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origin, trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.
Chương trình Space for Humanity tuyển chọn kỹ lưỡng các ứng cử viên xuất sắc, có tầm ảnh hưởng tới mọi tầng lớp xã hội để tham gia chuyến du hành vũ trụ và trải nghiệm “hiệu ứng toàn cảnh”.
Hiệu ứng toàn cảnh là sự thay đổi nhận thức khi quan sát toàn cảnh Trái Đất từ không gian, khiến những phi hành gia bùng lên cảm xúc mãnh liệt, từ đó càng thêm trân trọng hành tinh mỏng manh và gắn kết sâu sắc đối với toàn thể nhân loại.
Sau khi kết thúc hành trình và trở về Trái Đất, các “phi hành gia công dân” được kỳ vọng trở thành những nhà lãnh đạo, đại sứ toàn cầu, mang sứ mệnh truyền cảm hứng vì một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người.
"Tôi rất vui khi được hợp tác với Space for Humanity, không chỉ vì sự hỗ trợ cho chuyến du hành vũ trụ mà còn vì tầm nhìn và giá trị của tổ chức. Chúng tôi cam kết sẽ thay đổi suy nghĩ của chúng ta về vũ trụ, về chính những con người quanh ta và về tương lai của nhân loại, hướng tới tương lai tươi sáng hơn", cô Amanda Nguyễn bày tỏ.
Tổ chức Space for Humanity đánh giá cô Amanda Nguyễn hiện thân cho tinh thần và khát vọng của Chương trình Phi hành gia Công dân. Giám đốc điều hành Space for Humanity Antonio Peronace cũng đã khẳng định chuyến đi của cô sẽ là tấm gương sáng ngời cho mọi người noi theo.
"Là một tổ chức với mục tiêu dân chủ hóa không gian, tạo điều kiện cho tất cả mọi người tiếp cận tới vũ trụ, chúng tôi tự hào khi cô Amanda và hành trình sắp tới sẽ đại diện cho sức mạnh, đam mê và quyết tâm không ngừng nghỉ để vươn tới những tầm cao mới”, ông Peronace chia sẻ.
Cô Amanda Nguyễn tốt nghiệp Đại học Harvard, một trong những trường đại học danh giá thế giới, sau đó thực tập tại NASA vào năm 2011 rồi giữ chức phó liên lạc viên Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ.
Song, cuộc đời của Amanda cũng có mảng ký ức buồn khi có lần bị cưỡng hiếp vào năm 2013. Nhận thấy những góc khuất trong hệ thống pháp luật khiến những người bị hại như cô khó có thể đòi lại công lý, Amanda Nguyễn đã soạn thảo và vận động xây dựng Đạo luật về Quyền của nạn nhân bị tấn công tình dục.
Đạo luật này sau đó đã được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua vào năm 2016. Đến nay, đạo luật của cô và các văn bản pháp luật tương tự đã được thiết lập tại ít nhất 40 bang của Mỹ, hỗ trợ ít nhất 84 triệu nạn nhân bị tấn công tình dục.
Năm 2014, cô cũng sáng lập RISE, tổ chức vì quyền lợi của các nạn nhân bị xâm hại tình dục trên toàn thế giới. Sau 5 năm, đến năm 2019, cô đã được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực trên.
Tại Việt Nam, người đầu tiên bay vào không gian là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuân, bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô.
Trong 8 ngày trên không gian, Anh hùng Phạm Tuân đã thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất, chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái Đất, tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học có giá trị như: Thí nghiệm Hạ Long 1, Hạ Long 2, thí nghiệm hồ quang, thí nghiệm phân cực...
Ngoài ra, ông còn tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận