Hoa Kỳ vừa trải qua một cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống “cân não” chưa từng có vì diễn ra vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, người được đại đa số cử tri gửi gắm niềm tin đều khó có thể dành quá nhiều thời gian để vui mừng, vì trước mắt đang là đầy rẫy những thách thức lớn từ trong nước đến quốc tế.
Khủng hoảng lớn nhất trong thế kỷ
Để liệt kê những thách thức nội bộ mà tân Tổng thống Mỹ trong cuộc tranh cử lần thứ 59 sẽ phải đối mặt trong 4 năm tới có lẽ khó kể xiết. Nhưng vấn đề nổi cộm nhất buộc người đứng đầu Nhà Trắng phải bắt tay vào giải quyết ngay khi nhậm chức không gì khác ngoài việc kiểm soát đại dịch Covid-19.
Dịch bệnh hiện đang ảnh hưởng tới tất cả mọi mặt đời sống của người dân Mỹ, nó chẳng khác nào “giọt nước tràn ly”, tạo ra rất nhiều khoảng trống, nhiều vấn đề cần phải giải quyết, từ hệ thống y tế cộng đồng, kinh tế, chính trị… vốn âm ỉ từ lâu nay.
Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng tại đây đã lên đến mức tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Hiện tại, số ca nhiễm bệnh không ngừng tăng trên 47 bang, dịch lây lan không loại trừ ai, kể cả những nhân vật cốt cán trong chính phủ. Tỉ lệ tử vong 1 ngày trên toàn quốc đã tăng tới 10% chỉ trong 2 tuần qua.
Theo số liệu từ Đại học John Hopkins, đến nay đã có 37 bang ghi nhận có người chết vì Covid-19. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải tìm cách nâng năng lực xét nghiệm trên tất cả các bang; thiết lập hệ thống quốc gia để truy vết các ca bệnh...
Tiếp đó, tân Tổng thống Mỹ phải tìm cách khơi thông những dự luật ngân sách cứu trợ, phục hồi kinh tế… đang bị trì trệ và ứ đọng vì bất đồng tại Quốc hội.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng còn phải tìm ra cách củng cố vai trò của chính phủ Mỹ. Trước mắt là tìm ra cách tập trung quyền lực chính phủ liên bang khi giải quyết một số vấn đề cấp bách. Hiện tại, chỉ những việc nhỏ như ra quy định thống nhất về đeo khẩu trang, cách ly xã hội… trên toàn quốc, chính phủ liên bang cũng không có quyền áp đặt.
Mỹ không còn là siêu cường duy nhất
Ngay khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ lập tức phải giải quyết những thách thức đối ngoại trong bối cảnh rất khác so với các đời Tổng thống trước. Đó là một trật tự thế giới mà Mỹ không còn là siêu cường lớn nhất với vị thế vững chãi.
Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã và đang trở thành vấn đề vô cùng lớn mà Tổng thống thứ 59 phải đối mặt. Ngoài ra còn một số vấn đề khác như: Triều Tiên, Iran, Đài Loan, Biển Đông... hay cách duy trì quan hệ đồng minh chủ chốt tại châu Á và châu Âu.
Về quan hệ với Trung Quốc, Mỹ có lẽ vẫn đối đầu nhưng chắc chắn sẽ phải tìm cách để không leo thang xung đột.
Cụ thể, khi đối đầu với Bắc Kinh, liên quan tới Đài Loan, bà Elizabeth Freund Larus - Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Mary Washington được tờ The Diplomat dẫn lời, dự báo: “Trung Quốc sẽ không dừng lại và nhiều khả năng tăng cường các chuyến bay qua không phận hòn đảo này.
Mỹ từng nhiều lần gửi các tàu chiến và máy bay quân sự đến khu vực xung quanh Đài Loan nhưng nếu tiếp tục mạnh tay hơn có thể gây ra các sự cố ngoài ý muốn, gây hiểu lầm giữa hai bên và châm ngòi cho các cuộc xung đột lớn hơn”.
Xét quan hệ Mỹ - Trung trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn công khai phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, dù Washington không có tuyên bố chủ quyền tại đây.
Trong thời gian tới, đa phần các chuyên gia dự đoán, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục động thái triển khai quân đội, thực hiện các cuộc tập trận quân sự, tuần tra hàng hải. Bởi tuyến đường biển này rất quan trọng với an ninh cũng như sự phát triển của Mỹ.
Một “nút thắt” ngoại giao đầy nan giải mà bao đời Tổng thống Mỹ đã qua chưa giải quyết được là Triều Tiên, sẽ tiếp tục là thách thức mà tân lãnh đạo Mỹ phải giải quyết càng sớm càng tốt. Ông chủ Nhà Trắng cần tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và cuối cùng là từ bỏ vũ khí hạt nhân - một nhân tố mà Bình Nhưỡng coi là quan trọng nhất để phòng thủ trước các mối đe doạ bên ngoài?
Ông Joseph Yun, từng là đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama và Donald Trump cho biết, điều quan trọng nhất đó là lãnh đạo mới của Mỹ phải giữ kết nối với Triều Tiên, đặt “giới hạn đỏ” với Bình Nhưỡng càng sớm càng tốt.
Tổng thống thứ 59 cần phải gửi thông điệp rõ ràng tới quốc gia này, đại loại như: “Chúng tôi muốn đàm phán, đã chuẩn bị để đàm phán nhưng hãy cho chúng tôi thêm thời gian và xin đừng thực hiện bất cứ cuộc thử nghiệm nào khác nữa”.
Ngày bầu cử diễn ra thế nào?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức bắt đầu lúc 0h ngày 3/11 tại bang New Hampshire (tức 12h giờ trưa ngày 3/11 theo giờ Hà Nội/GMT + 7) khi người dân ở hai thị trấn Dixville Notch và Millsfield bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên vào giờ phút đầu tiên của Ngày bầu cử.
Đây là hai trong ba thị trấn luôn duy trì truyền thống bỏ phiếu sớm nhất nước Mỹ từ 60 năm qua, trong khi thị trấn còn lại là Hart’s Location quyết định lùi thời điểm bầu cử đến 11h để bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cuộc bỏ phiếu ở Dixville Notch bắt đầu vào lúc 0 giờ sáng. Người bỏ lá phiếu đầu tiên là Les Otten, chủ sở hữu khu nghỉ dưỡng Balsams ở thị trấn. Ông Otten mô tả mình là một người ủng hộ đảng Cộng hòa từ lâu, song lần này ông quyết định bầu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
4 người đi bỏ phiếu còn lại của thị trấn lần lượt bỏ phiếu. Sau khi 5 phiếu bầu được nhận lại, nhân viên bầu cử mở hòm phiếu để kiểm đếm ngay tại chỗ. Kết quả cho thấy ông Joe Biden giành chiến thắng tuyệt đối với 5 phiếu, trong khi ông Donald Trump không giành được phiếu nào ở đây.
Ngược lại, tại thị trấn Millsfield, cuộc bỏ phiếu trực tiếp cũng kết thúc sau Dixville Notch vài phút với 21 cử tri đi bầu. Kết quả kiểm phiếu tại chỗ cho thấy ông Donald Trump giành chiến thắng với 16 phiếu, ông Joe Biden được 5 phiếu.
Trong điều kiện suôn sẻ, kết quả chính thức của cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ được công bố vào chiều nay (4/11, theo giờ Hà Nội, tức đêm ngày 3/11 theo giờ Hoa Kỳ). Tuy nhiên, kịch bản giống như các lần bầu cử trong lịch sử hiện đại của Mỹ có thể sẽ không diễn ra như lệ thường, bởi năm nay xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Hoa Kỳ có thêm hình thức bỏ phiếu bầu qua đường bưu điện.
Việc bỏ phiếu qua thư được ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden nhiệt liệt đón nhận trong khi bị ông Donald Trump phản đối bởi đương kim Tổng thống Mỹ cho rằng, đây có thể là điều kiện để gian lận, giả mạo phiếu bầu xuất hiện, gây bất lợi cho ông.
Tại một số bang chiến trường như Pennsylvania, một số thành phố đã tuyên bố với cư dân của mình rằng việc kiểm đếm xong các lá phiếu bầu qua thư “cũng phải mất vài ngày” sau Ngày bầu cử (3/11). Điều này làm tăng khả năng có thể mất thêm thời gian trước khi cuộc bầu cử xác định được ai là người giành chiến thắng cuối cùng.
Tại các địa điểm bỏ phiếu đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ được ghi nhận vào cuối ngày 3/11 (theo giờ Hà Nội), tỷ lệ thắng thua mà các ứng cử viên tranh cử giành được không chênh lệnh nhau quá nhiều.
Điều này cũng tương ứng với kết quả thăm dò của một số trang web và trung tâm theo dõi bầu cử Mỹ khi ông Biden chỉ nhỉnh hơn đối thủ Trump một tỷ lệ phần trăm không quá cao, thậm chí không cao bằng tỷ lệ ủng hộ qua thăm dò mà cựu ứng viên cùng đảng của ông Biden - bà Hillary Clinton từng có được trong cuộc đua với ông Donald Trump vào Nhà Trắng năm 2016.
Đặt cược hơn 1,3 triệu USD vào chiến thắng của ông Biden
Theo Daily Mail, một công dân Anh quá tin tưởng vào chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới nên đã đặt cược ông thắng cử với số tiền 1 triệu bảng Anh (tương đương 1,29 triệu USD).
Đây là một kỷ lục chưa từng được ghi nhận. Năm 2016, một người Anh khác đã đặt cược 555 nghìn bảng Anh cho chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và người này đã thắng cược.
Điều thú vị là hồi tháng 5, chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng là người được ưa thích nhất trong cuộc đua tranh cử. Nhưng năm tháng sau, vị trí dẫn đầu trong các bảng cá cược đã đổi ngôi.
Hiện nay số lượng khách hàng của các nhà cái cá cược tin vào chiến thắng của ông Joe Biden tăng gấp đôi. Dữ liệu này được nhiều hãng tin công bố.
Twitter cấm tuyên bố chiến thắng trước khi có kết quả chính thức
Mạng xã hội Twitter đã có động thái tuyên bố cấm để ngăn chặn các ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ và tất cả người dùng mạng xã hội tuyên bố chiến thắng trước khi công bố chính thức kết quả bầu cử.
“Người dùng Twitter, bao gồm cả các ứng cử viên (Tổng thống Mỹ), không thể tuyên bố chiến thắng cho đến khi có thông báo chính thức về kết quả” - Twitter thông báo.
Twitter cho rằng kết quả chính thức sẽ được coi là “thông báo của ủy ban bầu cử tiểu bang hoặc dự báo từ ít nhất hai phương tiện truyền thông quốc gia đáng tin cậy đưa ra dự đoán độc lập về kết quả”. Thông báo áp dụng cho cả bầu cử tổng thống và quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận