Hỏi:
Cách đây 3 tháng, đi hiến máu, xét nghiệm cho kết quả tôi nhiễm viêm gan B, sau đó có 2 lần tôi đi xét nghiệm lại, kết quả lúc dương tính, lúc âm tính với bệnh này và được chẩn đoán viêm gan B tiềm ẩn, vậy có đáng lo không, thưa bác sĩ?
Nguyễn Lan (Hà Nội)
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện ĐK Medlatec trả lời:
Ảnh minh họa.
Giai đoạn viêm gan B mạn tính tiềm ẩn thường kéo dài rất lâu, thậm chí có thể từ 15 - 30 năm mà người bệnh ít có triệu chứng đặc biệt. Khi bệnh kéo dài, người bệnh không sản sinh ra kháng thể, dẫn đến mạn tính.
Viêm gan B tiềm ẩn có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh, cũng như có nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan ở bệnh viêm gan mạn tính.
Vì vậy, việc sàng lọc nhiễm HBV tiềm ẩn ở những bệnh nhân có tiền sử viêm gan B cấp hoặc mạn tính là cần thiết.
Việc chẩn đoán nhiễm HBV tiềm ẩn chủ yếu dựa vào 3 thông số: HBsAg âm tính, anti-HBc dương tính và HBV DNA ở mức độ thấp trong huyết thanh (<200 IU/mL) hoặc trong mô gan.
Do vậy, bệnh nhân cần định kỳ kiểm tra 3 - 6 tháng/lần. Mỗi lần đi khám định kỳ ngoài việc khám lâm sàng thì sẽ làm các xét nghiệm về chức năng, đánh giá tình trạng xơ gan, ung thư gan gồm: Đánh giá chức năng gan 3 tháng/lần; tình trạng xơ gan, tải lượng virus 6 tháng/lần; ung thư gan làm marker AFP 1 năm/lần.
Để sàng lọc và chẩn đoán sớm nhiễm HBV tiềm ẩn, cũng như tránh bỏ sót bệnh, người dân cần chỉ định làm các xét nghiệm HBsAg, anti-HBc và HBV DNA ở các đối tượng có nguy cơ nhiễm HBV tiềm ẩn cao như: Có bệnh sử trước đó bị nhiễm HBV cấp hay mạn tính; đồng nhiễm HBV với HCV (virus viêm gan C), hoặc HIV (suy giảm miễn dịch mắc phải ở người); người cho máu, người hiến cơ quan cấy ghép, người nhận ghép tạng; người mắc bệnh máu, chạy thận nhân tạo…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận