Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị phát hiện có quốc tịch Malta |
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia trả lời báo chí bên lề Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử trong cả nước nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện về cuộc, sáng 18/7.
Trước đó, trong phiên họp bất thường chiều 17/7, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất không xác nhận tư cách ĐBQH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – ĐBQH khoá XIII.
Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 15/7, Hội đồng bầu cử Quốc gia mới tiếp nhận thông tin về việc bà Nguyệt Hường có đăng ký hai quốc tịch từ phía cơ quan chức năng. Ngay sau đó, bà Hường cũng chủ động có đơn xin thôi làm ĐBQH vì cho rằng mình không đủ điều kiện hoạt động.
Theo ông Phúc, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là một trong 31 người được Ủy ban T.Ư MTTQ VN giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Tuy nhiên, trong quá trình hiệp thương không phát hiện ra việc vi phạm của bà Hường vì việc bà Hường “âm thầm” nhập tịch nước khác (CH Malta - PV) người khác không thể biết được, chỉ khi nhập tịch xong thì cơ quan chức năng mới phát hiện ra.
ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ ĐẢO QUỐC MALTA NƠI BÀ NGUYỆT HƯỜNG NHẬP QUỐC TỊCH |
Trước câu hỏi của PV về việc đến giờ phút này, ngoài lý do vi phạm về quốc tịch, còn lý do nào để Hội đồng bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách ĐBQH của bà Hường hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay mới chỉ có lý do đó, xét thấy không đủ điều kiện nên Hội đồng bầu cử Quốc gia xử lý luôn, còn có vi phạm nào nữa hay không thì chưa phát hiện ra.
Về việc của bà Hường, ông Phúc cho rằng nói không trung thực cũng đúng, nhưng trong hồ sơ cũng không có việc nào bắt kê khai quốc tịch cả.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970 tại Nam Định, là một nữ doanh nhân có quá trình hoạt động trong cơ quan dân cử khá dài (ĐBQH khóa XII, XIII, đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 1999 - 2011).
Trong đợt bầu cử vừa rồi, bà Nguyệt Hường ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 TP Hà Nội (gồm các huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức), trúng cử với tỷ lệ tín nhiệm cao nhất (78,51%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận