Dù bị cấm nhưng súng vẫn xuất hiện trong nhiều vụ án (Trong ảnh: Số lượng lớn vũ khí mà công an thu được khi khám xét nơi ở của một trùm cho vay nặng lãi tại quận Đống Đa, Hà Nội) |
Liên tiếp những vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến súng gần đây khiến nhiều người không khỏi hoang mang và tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Những ai được trang bị và sử dụng súng như thế nào ở Việt Nam?
Những ai được trang bị súng?
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, Bộ vừa trình dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, với khá nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh năm 2011.
Theo quy định, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: QĐND, Dân quân tự vệ, CAND, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, Hải quan cửa khẩu, An ninh hàng không. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc trang bị vũ khí quân dụng đối với các đối tượng thuộc QĐND, Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc trang bị vũ khí quân dụng đối với các đối tượng trong CAND; phối hợp với các Bộ quy định cụ thể đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng thuộc lực lượng Kiểm lâm, Kiểm ngư; Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không.
>>>Xem thêm video:
Theo Thiếu tướng Quân, so với Pháp lệnh năm 2011, Dự thảo Luật mở rộng thêm đối tượng được trang bị súng là lực lượng kiểm ngư. Cơ quan điều tra của VKS cũng đề nghị trang bị công cụ hỗ trợ nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết.
Về tiêu chuẩn, người sử dụng súng, phải đảm bảo có phẩm chất, đạo đức tốt, đủ sức khoẻ, được huấn luyện chuyên môn, cấp giấy chứng nhận và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí. Người không thuộc LLVT ngoài tiêu chuẩn trên phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ. Khi sử dụng phải mang theo giấy phép sử dụng. Sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn phải bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định.
Theo Thiếu tướng Quân, lãnh đạo DN không được trang bị súng, vũ khí, trừ DN dịch vụ bảo vệ thì được dùng công cụ hỗ trợ.
Nổ súng không cần cảnh báo một số trường hợp
Tướng Quân cho biết, một điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật là đã quy định cụ thể các trường hợp được nổ súng cảnh báo và nổ súng không cần cảnh báo.
Theo đó, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc sau: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định. Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Người thi hành nhiệm vụ độc lập, trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên đối với các trường hợp: Đối tượng đang sử dụng vũ khí tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…
Người thi hành nhiệm vụ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm, chạy trốn; cướp tang vật, phương tiện vi phạm.
Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo là khi đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên; Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh Quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ.
Theo tướng Quân, việc quy định cụ thể các trường hợp được nổ súng mà không cần cảnh báo sẽ là cơ sở vững chắc cho người có quyền sử dụng súng để họ có thể biết giới hạn và chủ động phân biệt rõ khi nào thì được nổ súng. Điều này sẽ đảm bảo tính mạng con người hơn, đảm bảo sự giám sát của người dân, và sẽ dễ hơn trong việc truy cứu trách nhiệm của người nổ súng.
Vụ sát hại lãnh đạo Yên Bái đã cho thấy “lỗ hổng” Trao đổi với Báo Giao thông chiều 23/8, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường cho biết, sáng cùng ngày, ông đã tham dự phiên họp thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo ông Trường, về quy định nổ súng - một vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây, đa số ý kiến tán thành quy định như Dự thảo Luật Chính phủ trình, đề nghị bám sát các quy định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự để quy định đảm bảo chặt chẽ hơn. Có ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, thiếu định lượng mà chủ yếu dựa trên nhận định chủ quan của người sử dụng vũ khí, dẫn đến khó vận dụng trong thực tiễn, có trường hợp người thi hành công vụ không dám nổ súng vì sợ trách nhiệm, có trường hợp nổ súng quá mức cần thiết dẫn đến vi phạm… Theo ông Trường, qua vụ việc hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại đã cho thấy “lỗ hổng” trong việc mang và sử dụng vũ khí. “Luật của Mỹ quy định rất cụ thể, khi cảnh sát hoạt động ngoài đường thì súng luôn luôn phải bỏ trong bao, chứ không được cầm "lung tung". Khi anh tác nghiệp nhiệm vụ có nhu cầu mới được bỏ ra khỏi bao. Chứ kiểm lâm được mang súng vào cơ quan thế là không ổn”, ông Trường nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quy định rõ việc mang và sử dụng vũ khí, quy trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan được trang bị vũ khí. Tại luật quy định không chặt chẽ, nên có những khi đi đâu không cần thiết cũng mang theo súng, ở các nước không bao giờ có chuyện đó. Kể cả đi họp tuyệt đối không mang súng”, ông Trường nêu quan điểm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận