Giám đốc điều hành (CEO) nhà sản xuất máy bay Airbus Tom Enders |
Giám đốc điều hành (CEO) hãng sản xuất máy bay Airbus Tom Enders tuyên bố sẵn sàng từ chức vì một nghi án hối lộ. Trước đó, chính ông này cũng cảnh báo hàng trăm nghìn nhân viên về khả năng sẽ xảy ra những tác động đáng kể sau khi có kết luận sáng rõ.
Lộ nguyên nhân bị điều tra
Nhà sản xuất máy bay của châu Âu đang bị Văn phòng chống gian lận (SFO) của Anh và cơ quan tương đương tại Pháp điều tra vì các cáo buộc “gian lận, hối lộ và tham nhũng” liên quan tới hoạt động bán các sản phẩm máy bay do hãng nghiên cứu và chế tạo. Hai văn phòng này vào cuộc sau khi Airbus tự báo cáo lên cơ quan chức năng của Anh và châu Âu về một số phát hiện bất thường liên quan tới việc sử dụng người trung gian trong các giao dịch bán máy bay.
Trong thông báo mới nhất, Airbus cho biết, họ nhận thấy “một số nhầm lẫn và thiếu sót” khi không báo cáo việc sử dụng các bên thứ 3 trong đàm phán thỏa thuận ở một số nước lên Cơ quan Quản lý tài chính trong hoạt động xuất khẩu Anh (UKEF) - đơn vị đảm bảo tín dụng cho người mua nước ngoài.
Các khoản đảm bảo tín dụng này rất quan trọng đối với các hãng sản xuất máy bay khi cạnh tranh ở các nước mới nổi. Tại đây, một số khách hàng là các công ty khởi nghiệp nên chưa có nhiều hoạt động để đảm bảo họ có thể chắc chắn chi trả thỏa thuận mua máy bay hàng tỉ USD. Nếu được đảm bảo tài chính, các công ty như Airbus sẽ không lo thua lỗ trong trường hợp bên mua không thể chi trả. Mặt khác, về phía khách hàng, nếu không được đảm bảo tín dụng, người mua tại các khu vực mới nổi có thể chuyển sang chọn nhà sản xuất khác.
Hai đối thủ trong ngành sản xuất máy bay thế giới là Airbus và Boeing đều đang nhắm tới bán máy bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được dự đoán là thị trường máy bay thân hẹp phát triển nhất thế giới trong vòng 20 năm tới. Airbus tin rằng, khu vực này sẽ mang đến các hợp đồng trị giá 650 tỉ USD (tương đương 13.000 tàu bay mới sẽ được sản xuất) trong tổng số hợp đồng giá trị tới 5,2 nghìn tỉ USD (tương đương 33.000 máy bay mới) trên toàn cầu.
Dù việc sử dụng bên trung gian không vi phạm pháp luật nhưng nó gây phức tạp trong quá trình giám sát. Theo hãng tin Reuters, một số quan chức coi những khoản chi trả vô cùng lớn cho những người trung gian này có thể là tiền hối lộ. Trong nghiên cứu năm 2014, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế cho biết, cứ 3 trong 4 vụ tham nhũng thì có sự dính líu của những người kinh doanh trung gian.
Airbus tự giám sát
Để thể hiện thiện chí trong việc ngăn chặn hành vi sai trái trong hoạt động kinh doanh, Airbus đã thành lập một hội đồng độc lập với 3 cố vấn giám sát việc thực hiện chống tham nhũng. Đặc biệt, trong số 3 thành viên có 2 người là cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Theo Waigel và cựu Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Noelle Lenoir. Theo Reuters, với quyết định tự nguyện lập ban giám sát độc lập, Airbus sẽ tăng cơ hội giành được thỏa thuận “tạm hoãn khởi tố” và “không khởi tố” trong các cuộc điều tra trên mà Anh và Pháp đang thực hiện.
Airbus cũng khẳng định đã dừng sử dụng các bên thứ 3 và sẽ tái thiết lập quan hệ với UKEF. Hãng cũng đang nghiên cứu để đưa ra các phương thức tài chính khác để thay thế việc đảm bảo tín dụng xuất khẩu hiện nay.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, nhà chức trách Anh đã đình chỉ quyết định cấp tín dụng xuất khẩu cho hãng này, đồng thời yêu cầu Airbus phải xem xét lại việc sử dụng các đại lý của hãng ở nước ngoài. Pháp và Đức cũng ủng hộ Anh đình chỉ quyết định cấp tín dụng xuất khẩu cho Airbus.
Dù vậy, CEO Tom Enders đã gửi thư tới 130.000 nhân viên Airbus cảnh báo nhân viên hãy chuẩn bị cho những khoảng thời gian đảo lộn và hỗn loạn khi cuộc điều tra đang được tiến hành. Ông cũng cho rằng, tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu có thể đối mặt với những án phạt đáng kể liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận