Nhà quản lý có thể giám sát đội tàu của mình trên giao diện website qua máy tính hoặc qua thiết bị di động IOS, Android |
Với hệ thống AIS (Automatically Identification System), các nhà quản lý đã có trong tay một công cụ để quản lý, giám sát hành trình tàu thuyền đang hoạt động tại vùng biển cận bờ của Việt Nam, gồm cả tàu Việt Nam và các tàu mang quốc tịch nước ngoài.
AIS là gì?
Anh Phạm Xuân Nam, chuyên viên Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải VN (Vishipel) trụ sở tại số 2 Nguyễn Thượng Hiền, Hải Phòng cho chúng tôi xem màn hình hiển thị hệ thống quản lý tàu thuyền cận bờ (AIS). Trên màn hình hiển thị rõ các hình tam giác nhỏ màu xanh, đỏ, vàng... chính là vị trí của mỗi con tàu đang hoạt động trên biển trong vùng biển cách bờ khoảng 30 hải lý (1 hải lý = 1,852km).
Hiện Vishipel đang cung cấp giải pháp giám sát, quản lý tàu thuyền ven biển AIS cho các công ty vận tải biển để quản lý đội tàu thuyền hoạt động trong vùng hoạt động cách bờ trong phạm vi khoảng 40 hải lý. Hệ thống này cũng đã được Cục Hàng hải VN sử dụng để quản lý, theo dõi và định vị được các tàu thuyền trong vùng biển cận bờ, từ đó đưa ra các chỉ đạo cụ thể, kịp thời, nhất là trong các sự kiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn. |
“Mỗi màu quy định cho một loại tàu nhất định. Tam giác màu xanh dương biểu tượng cho tàu hàng, xanh tím than là tàu khách, màu cam là tàu cá”, anh Nam nói và cho biết, hệ thống này có thể hiển thị toàn bộ dữ liệu về con tàu như: Thời gian hành trình, số hiệu, quốc tịch, loại tàu, khoảng cách bờ, lộ trình, kích thước tàu... Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quản lý, doanh nghiệp theo dõi và định vị được tàu đang ở đâu để từ đó có chỉ đạo kịp thời, nhất là trong những tình huống ứng phó sự cố khẩn cấp.
Thực chất AIS là một hệ thống thông tin an toàn hàng hải (ATHH) hoạt động trên băng tần VHF hàng hải dùng để nhận biết thông tin giữa phương tiện thủy có trang bị AIS và các đối tượng bên ngoài trong phạm vi phủ sóng VHF. AIS cho phép các phương tiện chủ động chia sẻ các thông tin của mình với các phương tiện trang bị AIS khác, trạm AIS bờ, các trạm VTS và cơ quan quản lý hàng hải.
AIS trang bị trên tàu thuyền sẽ tự động phát tới các tàu khác cùng trang bị AIS và tới Đài TTDH các thông tin của tàu bao gồm: Số nhận dạng hàng hải (MMSI), số IMO, hô hiệu và tên tàu; kích thước chiều dài, chiều rộng... của tàu. Thông tin động, bao gồm tọa độ vị trí tàu, hướng và tốc độ di chuyển, tốc độ quay trở tức thời (các thông số này được AIS thu thập từ các thiết bị hàng hải khác như máy định vị toàn cầu GPS, la bàn điện, tốc độ kế...). Dữ liệu về hành trình: Đích đến, dự kiến thời gian đến đích ETA, mớn nước, loại hàng hóa, thông tin an toàn (do người sử dụng trên tàu nhập vào trước mỗi hành trình). Những dữ liệu này sẽ được tự động gửi đi có tác dụng giúp tàu thuyền nhanh chóng tiếp nhận thông tin về tuyến đường của nhau, cảnh báo nguy cơ va chạm kịp thời để có phương án phòng tránh.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền
Đối với các nhà quản lý, việc ứng dụng hệ thống quản lý tàu qua thông tin từ AIS cho phép giám sát từ xa vị trí, hải trình tàu trên giao diện trang web với các tính năng chính như xem trực tuyến vị trí tàu trên nền bản đồ Google; xem hành trình tàu trong quá khứ; Tra cứu vị trí, hành trình tàu trong vòng 30 ngày; Tra cứu thông tin chi tiết tàu và biết được tình hình thời tiết tại khu vực tàu hành trình. Từ đó, các cơ quan quản lý chủ động trong điều phối hành hải của các tàu trên những tuyến vận tải ven biển, tuyến du lịch bờ đảo, tuyến nội thủy để hạn chế tình trạng nghẽn mạch giao thông, xảy ra va chạm trên các tuyến này. Trong trường hợp có tai nạn xảy ra, hệ thống quản lý tàu thuyền qua việc ứng dụng thông tin từ thiết bị AIS có thể gửi vị trí của tàu thuyền cũng như hành trình tàu bị nạn và các tàu xung quanh được thực hiện ngay lập tức giúp các cơ quan tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng có phương án ứng phó, trợ giúp. Các cơ quan điều tra nhanh chóng khoanh vùng đối tượng vi phạm để có phương án xử lý.
Ngoài ra, hệ thống AIS cũng cho phép nắm bắt được thông tin tàu thuyền trên biển, bao gồm cả tàu Việt Nam và tàu mang quốc tịch nước ngoài đang hoạt động và đi vào vùng biển cách bờ 30 hải lý. Việc này góp phần bảo đảm phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn an ninh hàng hải trong vùng biển nước ta, đặc biệt các nguy cơ xuất phát từ các tàu nước ngoài để có phương án xử lý kịp thời nhằm thực hiện quyền thực thi pháp luật tại vùng biển Việt Nam theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 và Luật Biển Việt Nam. Qua đó, bảo đảm việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lãnh hải Quốc gia.
Tàu nào phải trang bị AIS?
Theo Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) đã quy định các tàu sau phải trang bị hệ thống AIS, gồm tất cả các tàu có tổng dung tích từ 300 GT trở lên tham gia vận tải quốc tế; các tàu hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên và các tàu chở khách.
Mới đây, Nghị định số 132/2015 được Chính phủ ban hành đã bổ sung quy định trang bị thiết bị AIS đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo. Đối với các tàu mang cấp VR-SB, kể từ ngày triển khai tuyến vận tải ven biển (tháng 7/2014) đến nay các tàu này đã bắt buộc phải trang bị thiết bị AIS.
Anh Nam cho biết thêm, đối với tàu đánh bắt hải sản, hiện nay Việt Nam chưa có quy chế bắt buộc phải trang bị các thiết bị AIS. Tuy nhiên, vì hiểu rõ tính năng của AIS trong phòng tránh đâm va, xác định vị trí để các đài thông tin duyên hải và các cơ quan TKCN hỗ trợ tàu khi gặp nạn nên hiện nay có rất nhiều các tàu đánh bắt hải sản đã tự trang bị các thiết bị AIS phù hợp, đặc biệt tại khu vực các tỉnh miền Trung.
Từ năm 2013, Vishipel đã nghiên cứu và triển khai hệ thống quản lý phương tiện tàu cận bờ AIS bao gồm 39 trạm, trải dọc các khu vực cảng biển, các tỉnh ven biển cũng như các đảo lớn như: Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận