Xu hướng người mua xe ô tô không cần tới trực tiếp đại lý đang ngày càng tăng trên thế giới |
Trong thời đại công nghệ hiện nay, thương mại điện tử trở thành công cụ kinh doanh hữu ích, đưa sản phẩm đến số đông người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí cửa hàng, trang trí, nhân viên… Phương án thương mại này đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành bán ô tô, điều vốn tưởng chừng như không thể.
Đầu tư 335 triệu USD vào phương pháp bán lẻ mới
Động thái gần đây của Tập đoàn Thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) khi đứng đầu trong vòng gây quỹ trị giá 335 triệu USD tại Souche, công ty khởi nghiệp Trung Quốc, cung cấp các giải pháp kinh doanh điện tử cho các đại lý bán ô tô trực tiếp, đã thể hiện tư tưởng chuyển hướng chiến lược, cải thiện lại bức tranh toàn cảnh thương mại ô tô, pha trộn giữa ngoại tuyến và trực tuyến của công ty này.
Qua chiến lược hỗ trợ vốn, Alibaba trở thành nhà đầu tư lớn nhất của SouChe có trụ sở tại Hàng Châu. Ngoài Alibaba, các công ty khác như: Warburg Pincus, Primavera Capital và CMB International cũng tham gia vào vòng gọi vốn lần này.
Người sáng lập và Giám đốc điều hành SouChe, ông Yao Junhong nhận định: “Thương mại điện tử đơn thuần sẽ không phải là giải pháp tốt nhất để bán ô tô tại Trung Quốc. Mọi người muốn tới cửa hàng để xem tận mắt, cảm nhận và thử xe trước khi đặt hàng. Chưa kể, tất cả các loại dịch vụ hậu mãi đều chỉ được cung cấp tại các cửa hàng showroom”.
Ông Yao cho biết, ông có niềm tin chắc chắn, khái niệm “bán lẻ mới”, kết hợp giữa hoạt động trực tuyến, đại lý, kho vận và dữ liệu chuỗi giá trị, là hướng đi đúng cho kinh doanh ô tô trong tương lai không xa.
Được thành lập từ năm 2012, SouChe đã có 110.000 đại lý ngoại tuyến là khách hàng, trong đó các đại lý của Trung Quốc chiếm 60%. Công ty này cũng cung cấp cho họ các giải pháp kỹ thuật từ quảng cáo trực tuyến và cửa hàng để các hệ thống có thể quản lý kho vận ngoại tuyến và theo dõi những người mua tiềm năng. “Qua việc kết hợp với Alibaba (công ty đang chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử), chúng tôi có thể cung cấp cho các đại lý ngoại tuyến lưu lượng truy cập tốt nhất để thúc đẩy sự hiện diện của họ trên mạng trực tuyến và mở rộng hệ thống bán lẻ ngoại tuyến.
Cùng với đó, chúng tôi có thể xây dựng một nền tảng bán lẻ ô tô mới, dự kiến cải thiện hiệu quả doanh số ô tô qua việc tận dụng mạng internet và dữ liệu khổng lồ”, ông Yao nói. SouChe đặt mục tiêu bao phủ 80% các đại lý ô tô Trung Quốc tính đến năm 2018, ông Yao chia sẻ thêm.
Tính đến nay, SouChe đã huy động tổng cộng 635,4 triệu USD thông qua 5 vòng gọi vốn bao gồm một vòng mà Alibaba là nhà đầu tư hàng đầu.
Xu hướng của kỷ nguyên thông minh
Alibaba, chủ quản của trang South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam), đang theo đuổi chiến lược bán lẻ mới để chuẩn bị cho một kỷ nguyên thông minh dựa trên công nghệ lưu trữ dữ liệu đám mây khổng lồ, mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là mạng lưới thiết bị kết nối Internet viết tắt là IoT.
Công ty này dự báo sẽ có 5 xu hướng mới trên thế giới, xu hướng bán lẻ mới, sản xuất mới, tài chính mới, công nghệ mới và nguồn lực mới, có thể thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ, tài chính và sản xuất.
Theo khảo sát thường niên về khách hàng mua ô tô của Công ty Tư vấn Cap Gemini’s 2014, đối với hơn 10.000 người mua trên 10 quốc gia, 54% người mua xe hơi sử dụng các trang web của nhà sản xuất ô tô để nghiên cứu các phương tiện. Lượng khách đến tận đại lý để nghiên cứu xe bắt đầu giảm trong khi hoạt động nghiên cứu qua mạng đang tăng.
Ngoài ra, số lượng khách hàng sẵn sàng thực hiện bước tiếp theo, mua hàng qua mạng, rất đáng kể. Trong đó, khoảng 48% khách hàng tại Pháp cho biết, họ gần như hoặc rất có thể mua xe qua mạng.
Tại Đức, con số này đạt 36% và Mỹ là 34%. Tại các thị trường đang phát triển, tỉ lệ này còn cao hơn: 61% khách hàng Trung Quốc sẽ mua xe ô tô qua mạng, 55% khách hàng Indonesia mua qua mạng, còn Ấn Độ đạt 55%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận