Thị trường

Ám ảnh nguy cơ thiếu điện

22/08/2023, 06:28

Dù mới tháng 8/2023, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bắt đầu lo lắng cho việc cấp điện năm tới.

Những báo cáo dự báo về khả năng cấp điện đều không mấy khả quan.

Hiện hữu nguy cơ thiếu điện

img

Nguồn điện chậm tiến độ và năng lực truyền tải kém là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện.

“Mọi năm tầm này lũ đã về đầy tràn các hồ thủy điện phía Bắc. Theo thông lệ, thời kỳ lũ sớm miền Bắc là từ ngày 15/6 - 19/7. Thế nhưng năm nay, mọi chuyện rất khác. Chúng tôi rất lo lắng”, một lãnh đạo EVN sốt ruột khi nhìn những báo cáo về mực nước các hồ thủy điện.

Thực tế, có thời điểm mưa diện rộng, lượng nước các hồ thủy điện tăng cao, EVN cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang chuẩn bị các kịch bản xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Tuy nhiên, vẫn phải hạn chế phát điện do lượng nước vẫn thấp hơn so với mọi năm. Điển hình như thủy điện Thác Bà, Hủa Na… mực nước vẫn thấp hơn 40% so với hằng năm.

40% lượng điện của miền Bắc phụ thuộc vào thủy điện. Việc các lãnh đạo của EVN âu lo cũng là điều dễ lý giải.

Tính toán của EVN, ở kịch bản phụ tải tăng trưởng cao, dự kiến miền Bắc có thể thiếu hụt công suất đỉnh tới khoảng 6.300MW vào năm 2025. Trong khi đó, việc chuyển điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc là không thể do năng lực truyền tải kém.

Trước viễn cảnh thiếu điện 2 năm tới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ: “Nhiều dự án chậm tiến độ, không có khả năng để 2 năm nữa thêm được các nhà máy.

Cùng lắm là dự án nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 đi vào hoạt động. Nhưng nhà máy này vận hành thì cần đường truyền tải từ Hà Tĩnh về Nghi Sơn để ra Bắc.

Nếu dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối (Hưng Yên) đã được Thủ tướng yêu cầu đầu tư khẩn cấp có thể đi vào hoạt động thì cũng chỉ thêm được 1.200MW. Trong khi nhu cầu miền Bắc mỗi năm cần thêm khoảng 2.000MW”.

Kể lại chuyện đã trao đổi với các cán bộ EVN, ông Tuấn cho hay, họ cũng rất lo lắng: “Không có cách gì khác ngoài việc tiết kiệm điện. Đây là hệ quả từ nhiều năm trước do điều hành không quyết liệt, địa phương thay đổi phương án đầu tư, chủ đầu tư năng lực kém”.

Theo báo cáo của EVN, để đảm bảo cấp điện, từ đầu năm nay, EVN đã phải huy động cả tỷ kWh các nguồn điện chạy dầu với giá đắt đỏ (khoảng 5.000 đồng/kWh) và vẫn đang tiếp tục phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu trong các ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Bên cạnh đó, sau khi quy hoạch điện VIII được duyệt, EVN hiện đang gặp vướng mắc về việc xác định chủ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải do chưa được xác định cụ thể trong Quy hoạch và chưa có quy định, hướng dẫn để EVN và các đơn vị có đủ thời gian chuẩn bị dự án đáp ứng tiến độ.

Rút ra nhiều bài học

img

Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống năm 2022.

Nhắc đến quy hoạch điện VIII, GS Lê Chí Hiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM chia sẻ: “Điều tôi lo nhất là chúng ta nói nhưng làm không được hoặc phá vỡ quy hoạch, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tại sao cán cân cung cầu lại bị phá vỡ, nhiều dự án phải cắt giảm công suất, hệ thống truyền tải không đủ năng lực truyền tải?

Câu trả lời của tôi rất ngắn gọn: Thực hiện quy hoạch điện giống như một trận bóng. Chúng ta có số liệu rồi, cơ quan quản lý là người trấn giữ khung thành. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư là tiền đạo tấn công và chúng ta phải giữ khung thành để không bị phá vỡ”.

Theo ông, Bộ Công thương gần đây đã đề xuất lộ trình thực hiện quy hoạch điện VIII nhưng chưa cụ thể. “Cần phải đưa ra lộ trình với khung thời gian cụ thể, với những hành động cụ thể, số liệu cụ thể, tổ chức triển khai cụ thể để làm bằng được”, ông Hiệp góp ý.

Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, phải rút kinh nghiệm việc thực hiện quy hoạch điện VI và VII điều chỉnh, để triển khai quy hoạch điện VIII được thông suốt.

Theo vị chuyên gia, sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương cần lập kế hoạch chi tiết 5 năm tới. Trong đó, phân quy mô các nguồn năng lượng tái tạo từ vùng tới các tỉnh; đảm bảo sớm lựa chọn được chủ đầu tư các dự án quan trọng; giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ.

Với các dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ, Bộ Công thương, không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm.

Vốn đầu tư cho các công trình điện là rất lớn, vì vậy theo ông Tuấn, cần huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước bằng cách xem xét bảo lãnh Chính phủ với một số dự án ưu tiên, quan trọng; điều chỉnh các cơ chế nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư BOT đã và đang đàm phán hợp đồng.

Đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân tham gia lưới truyền tải tại những khu vực không ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, tại các đoạn đấu nối từ dự án nguồn điện đến điểm nhận của hệ thống.

Với các dự án LNG - nguồn được ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII, sẽ có thể không còn áp dụng loại hình BOT, cần thiết có cơ chế mua điện phù hợp nhằm tránh rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

“Hiện nay, các cơ chế chính sách cho các nhà máy điện khí LNG vẫn đang mắc. Ví dụ như nhiệt điện khí Nhơn Trạch khởi động từ năm 2017, bây giờ vẫn chỉ ở giai đoạn đầu, chưa ký được hợp đồng mua bán điện. Nhiều dự án lớn khác ở ngoài Bắc sẽ ra sao?”, ông Tuấn chia sẻ.

Vị chuyên gia cho rằng, cần sớm lập kế hoạch chi tiết về địa điểm, chọn chủ đầu tư. Bộ Công thương chỉ đạo, hỗ trợ cũng như giám sát tối đa chủ đầu tư trong quá trình đầu tư; sớm sàng lọc, loại bỏ các chủ đầu tư kém năng lực hoặc triển khai kiểu cầm chừng.

EVN kiến nghị nhiều chính sách

Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bên cạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế, cần xem xét tiếp tục giao các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm và đảm bảo giữ tỷ lệ nguồn điện phù hợp trong các giai đoạn quy hoạch.

Cụ thể, giao EVN và các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực năng lượng đầu tư các dự án nguồn điện lớn, quan trọng quốc gia và đầu tư hạ tầng LNG kết hợp nhà máy điện; đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó cho phép EVN đầu tư 800 - 1.000MW trong giai đoạn 2026 - 2030.

Giao EVN đầu tư các dự án lưới điện 500kV do hệ thống truyền tải điện 500kV là công trình quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia.

Về các cơ chế chính sách, EVN kiến nghị tăng cường phân cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó giao quyền cho hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quyền quyết định các nội dung về phương án huy động vốn, đầu tư, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định...

Hội đồng thành viên các tập đoàn chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu về các quyết định của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.