Đã có nhiều người mất mạng vì ăn tiết canh vịt, vậy đâu là căn nguyên?
Nhiều thực khách vẫn tìm đến các quán vịt quay, tiết canh tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội để ăn, bất chấp nguy cơ cận kề cái chết.
Quán vịt ở Vân Đình mọc lên như nấm. Ở đây có đủ món: Vịt nướng, vịt luộc, cháo vịt, bún vịt và tất nhiên tiết canh vịt cũng không thể thiếu trong thực đơn.
Ghé vào một quán vịt tại Vân Đình kiếm bát tiết canh quá dễ dàng. Một chủ quán tại đây cho biết: Quán bán thịt vịt thì không thể thiếu món khoái khẩu của cánh mày râu này. Vịt thịt ra, tiết canh có sẵn, gan cho thêm vào là đưa ra phục vụ thực khách. Như vậy, có thêm nguồn thu, hơn nữa, thiếu món này là mất khách.
Hiểm hoạ kinh hoàng từ món tiết canh vịt |
Trong vai người mua buôn vịt làm sẵn về bán, phóng viên thâm nhập vào quán vừa bán thịt, tiết canh vịt vừa đổ buôn vịt mới thấy cảnh tượng ghê rợn.
Phía sau cửa hàng, sân được tận dụng để làm vịt. Mấy người phụ nữ ngồi làm, mỗi người một công đoạn. Người bắt vịt được trói chân ở một góc sân mang đến cho một bà ngồi đợi sẵn với cái bát to và con dao nhọn trên tay.
Người này tay trái cầm mỏ vịt, tay phải thoăn thoắt cắt tiết. Dòng máu phọt ra bắn tóe lên rồi mới chảy tong tỏng vào chiếc bát to hứng phía dưới. Mỗi con vịt cắt tiết xong được vứt một góc để một người khác đến nhặt và nhúng vào nồi nước gần đó làm lông rồi mổ.
Theo bà T. người cắt tiết, thì cái bát hứng tiết vịt đã được pha sẵn nước sôi để nguội và chút mắm để tránh tiết bị đông. Nhưng điều đáng nói là, vịt ở đây rất bẩn, phân dính lên cả lông, cả chân. Còn tay 2 người phụ nữ cắt tiết vịt chẳng đi găng.
Sau khi cắt xong tiết, bà T. vứt con dao nhọn xuống đất rồi lấy tay khỏa khỏa vào bát tiết cho đều. Con dao được vứt xuống nền xi măng lênh láng tiết, nước bẩn, lông và cả phân vịt.
Đến con vịt sau, vẫn đôi tay ấy, vẫn con dao ấy lại được nhặt lên để cắt tiết.
Như vậy, trong tiết canh lẫn cả những thứ bẩn nhất của vịt. Nếu vô tình thực khách nào có cơ thể yếu, lại ăn phải những con vịt có vi rút cúm thì không ai biết trước, vị khách đó có nguy cơ nhiễm cúm và tử vong thế nào.
Con dao để cắt tiết cùng đôi tay bẩn được ngoáy vào bát tiết canh là nguồn lây vi rút cúm. (Ảnh: Tuấn Phong) |
Trên thực tế, nhiều người đã mất mạng vì tiết canh vịt. Cách đây vài năm, báo chí đã đưa tin một chàng trai trẻ ở Điện Biên đã chết khi mới 23 tuổi. Anh ra đi vào ngày 28/11/2009 sau một thời gian điều trị. Trước đó, anh đã ăn tiết canh vịt, một tuần sau thì bị sốt cao đột ngột, ho, khó thở.
Chàng trai được gia đình đưa đến khám tại Trạm y tế phường rồi được chuyển lên Phòng khám đa khoa khu vực Bản Phú ngày 25/11/2009. Đến ngày hôm sau, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây, anh được theo dõi viêm phổi nặng do vi rút và được điều trị kháng sinh, truyền dịch, hạ sốt nhưng bệnh tiếp tục diễn biến nặng hơn sau đó tử vong.
Các bác sĩ xác định tiền sử dịch tễ bệnh nhân có ăn tiết canh vịt khoảng một tuần trước khi khởi phát bệnh. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy anh bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1.
Tháng 2/2012, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có xác nhận chính thức về trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1.
Theo đó, bệnh nhân là nam, 22 tuổi, nhiễm cúm A/H5 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Ngày 24/2, kết quả xét nghiệm vi sinh học tại Bệnh viện nhiệt đới cho thấy bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H5N1.
Bệnh nhân quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cư trú tại phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một và làm việc tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân có tiền sử tham gia giết mổ, ăn thịt và tiết canh vịt.
Đây là 2 trong nhiều trường hợp tử vong do ăn tiết canh vịt được cơ quan Nhà nước xác nhận chính thức. Còn biết bao cái chết từ bát tiết canh vịt chưa được biết đến.
Tại sao ăn tiết canh vịt lại tử vong?
Theo Tiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Thị Mai, người từng có nhiều năm nghiên cứu về vịt thì: Ăn tiết canh vịt dễ nhiễm vi rút cúm gia cầm và nguy cơ mắc bệnh rất cao, có thể tử vong.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tinh do vi rút H5N1 gây ra. Ở vịt, bệnh này khiến vịt chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh.
TS Mai tư vấn nên biết cách phân biệt vịt bị nhiễm cúm để tránh mua phải: Vịt chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất biếng ăn. Vịt bị xuất huyết ở những chỗ da không có lông, đặc biệt là chân. Ngoài ra, vịt có biểu hiện quay vòng, nghẹo cổ.
TS Mai cũng lưu ý, có những con vịt trong cơ thể lưu hành vi rút cúm nhưng không có biểu hiện bên ngoài như trên. Và khi ăn tiết canh, trong máu vịt có vi rút cúm vì vậy người ăn dễ lây nhiễm qua đường tiêu hóa.
Không chỉ vậy, vi rút này còn có trong phân, lông… nên khi tiếp xúc với vịt bị cúm, người cũng có nguy cơ mắc bệnh cúm do vi rút cúm xâm nhập hô hấp, lưu hành máu và khu trú hệ hô hấp.
Còn Ths – Bs Nguyễn Trung Cấp, phó khoa Cấp cứu BV bệnh Nhiệt đới TW cho biết: Khi nhiễm cúm A(H5N1), người bệnh có các triệu chứng giống như các bệnh cúm thông thường như sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 38 độ C, đôi khi rét run, mặt đỏ.
Đau đầu, đau mỏi cơ ở chân, tay, đau tăng lên khi ho, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch, ho hoặc ho khan, khó thở... Bệnh diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Vì vậy, BS Cấp khuyến cáo không nên ăn tiết canh vịt dù nhìn con vịt đó có vẻ khỏe mạnh.
Từ ngày 1/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh thành trên toàn quốc cùng các Bộ, ngành liên quan. Văn bản này nêu rõ: Từ nay trở đi, nghiêm cấm việc chế biến và bán các loại tiết canh gia súc, gia cầm. |
Theo VTC News
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận