Nút giao An Phú, Q.2 được kỳ vọng giảm ùn tắc tại giao lộ giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi nhiều hướng đường chính quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai dự án xây dựng nút giao này vẫn chưa thể tiến hành vì còn vướng nhiều thủ tục liên quan đến các bộ ngành…
Kẹt xe như cơm bữa
Theo ghi nhận của PV, khu vực nút giao An Phú, Q.2 đoạn từ Mai Chí Thọ hướng về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Đặc biệt, buổi chiều tối, quá đông phương tiện di chuyển tại khu vực này dẫn đến cảnh giao thông lộn xộn, xe máy chen lấn, luồn lách leo lên vỉa hè, băng qua thảm cỏ của các tòa nhà chưng cư để tránh kẹt xe…
Nút giao thông An Phú, quận 2 là điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Đình Của giao cắt với đại lộ Đông - Tây (nay là Mai Chí Thọ). Đây là nút giao có nhiều đường lớn, nơi giao nhau của 4 hướng chính rất quan trọng của thành phố. Hướng vào đường Đồng Văn Cống để ra vào cảng Cát Lái, đường Lương Đình Của, Nguyễn Duy Trinh; hướng về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; hướng vào đường Mai Chí Thọ. Do vậy mà giao thông luôn ùn ứ, tắc nghẽn ở khu vực này.
Nhiều người thường xuyên đi làm trên tuyến đường này cho biết, đường rất rộng, nhiều làn xe chạy rất thông thoáng so với nhiều tuyến đường ở trung tâm. Tuy nhiên khi đến nút giao An Phú là kẹt ngắc, chiều nào cũng vậy, người dân vô cùng mệt mỏi. Để vượt qua nút giao này những lúc đông xe cũng phải mất đến 15 phút.
Để giảm bớt áp lực giao thông tại khu vực nút giao này, trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã mở rộng phía đường dẫn cao tốc từ đường Mai Chí Thọ tới cầu Bà Dạt mỗi bên một làn đường rộng 3,5m, dài 150m. Đường nhánh từ đường Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc được mở rộng thêm một làn đường rộng 3,5m, dài 70m; mở 2 làn đường cho phép xe lưu thông 2 chiều từ đường Nguyễn Thị Định ôm công viên ngã ba An Phú bắt vào đường Mai Chí Thọ.
Đồng thời, từ đường Mai Chí Thọ đi đường Nguyễn Thị Định mở thêm một làn rộng 3,5m, dài 30m. Các giải pháp trên đã nới rộng nhiều đường hơn cho người dân đi lại để tránh lúc kẹt xe. Tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được vấn đề ùn tắc tại chính nút giao này.
Sớm đầu tư nút giao An Phú
Trước đó, dự án nút giao An Phú đã được Bộ GTVT và TP.HCM thống nhất đầu tư, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh. Dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn dư JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vay từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, hiệp định vay vốn dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7/2021 nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư cho nút giao An Phú là không khả thi trong điều kiện đang thực hiện tái cơ cấu các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM giao các đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng nút giao An Phú bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư năm 2019 - 2020, thực hiện đầu tư giai đoạn sau năm 2020. Theo đó, nút giao gồm xây dựng đường hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Còn hạng mục cầu vượt đi 2 chiều sẽ bắc qua đường Mai Chí Thọ để kết nối giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Lương Định Của.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.036,7 tỷ đồng (chi phí xây dựng là 800,4 tỷ đồng) từ nguồn vốn kết dư của dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra tại nút giao An Phú. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn chỉnh nút giao theo quy mô được duyệt. Để đạt tiến độ năm 2020 khởi công dự án trên, theo chủ đầu tư dự án, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ trong xử lý nhanh các thủ tục tái phân bổ lại kinh phí trong hiệp định vay để đầu tư xây dựng nút giao An Phú, gia hạn thời gian thực hiện…
Theo Sở GTVT, trong thời gian chờ dự án triển khai, trước mắt Sở sẽ thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc khu vực này như mở mới nhánh rẽ từ đường dẫn cao tốc xuống đường Đỗ Xuân Hợp để giảm bớt lượng xe tập trung về nút giao này. Mở thêm 1 làn đường dành cho xe rẽ trái từ đường Mai Chí Thọ vào đường dẫn cao tốc nhằm tăng khả năng thoát xe qua nút giao. Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy), đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), đường Nguyễn Duy Trinh (từ đường Nguvễn Thị Định đến đường Võ Chí Công)…
Đoạn clip kẹt xe nút giao An Phú, xe máy chen nhau leo vỉa hè trên đường Mai Chí Thọ hướng về đường cao tốc, Lương Đình Của, Nguyễn Duy Trinh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận