LTS: Tháng 5, 6 năm 2023, miền Bắc đã trải qua đợt "cắt điện luân phiên" trên diện rộng do thiếu điện, gây bức xúc dư luận. Nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được Bộ Công thương chỉ ra. Việc truy trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra thiếu điện cũng đang được tiến hành.
Kết luận thanh tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đánh giá việc đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế vẫn là mục tiêu đầy thách thức trong những năm tới. Báo Giao thông đăng tải loạt bài đề cập những giải pháp căn cơ cho việc cung ứng điện của nước ta giai đoạn tới, để không còn cảnh cắt điện như hè 2023.
Bài 1: Phải làm gì để vốn tư nhân đổ vào năng lượng?
Nhìn từ dự án 500kV đặc biệt cấp bách
Miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải (mức tiêu thụ điện năng) cao nhất cả nước, bình quân tăng 9,3% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tương ứng gần 6.000MW. Trong khi đó, giai đoạn này tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600MW, khoảng 4,7% một năm.
Còn miền Trung và miền Nam, tốc độ tăng trưởng của nguồn cao gấp nhiều lần nhu cầu tiêu thụ điện. Điều này cho thấy phát triển nguồn điện chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực sẵn có, chưa phù hợp với phân bổ, gây mất cân bằng cung - cầu điện trong từng miền; tạo sức ép lớn lên lưới truyền tải liên miền, làm tăng tổn thất, rủi ro vận hành.
Trước thực trạng này, Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải hoàn thành dự án đặc biệt cấp bách đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối (Hưng Yên) trước 30/6/2024. Đây được xem là giải pháp để kéo điện từ miền Trung ra miền Bắc, giúp giảm áp lực thiếu điện cho miền Bắc.
Theo thông tin từ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đơn vị này đang có nhu cầu thu xếp vốn cho 4 dự án thành phần thuộc đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối theo hình thức chào cạnh tranh.
Trong đó, đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 225 km có tổng mức đầu tư 10.110 tỷ đồng và dự kiến vay 7.075 tỷ đồng. Còn đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa 92 km có tổng mức đầu tư 4.116 tỷ đồng, dự kiến vay 2.880 tỷ đồng. Đây là 2 dự án thành phần do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý điều hành.
Hai dự án thành phần còn lại do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) quản lý điều hành, gồm đường dây 500kV Thanh Hóa - Nhà máy nhiệt điện Nam Định I 74 km có tổng mức đầu tư 3.086 tỷ đồng, dự kiến vay 2.160 tỷ đồng, và dự án còn lại là đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối 124 km có tổng mức đầu tư 5.539 tỷ đồng, dự kiến vay 3.875 tỷ đồng.
Về tiến độ, thông tin từ EVN cho biết đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.
Còn với đường dây 500kV Nam Định 1 - Thanh Hoá và đường dây 500kV Nam Định 1 – Phố Nối, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã trình bổ sung phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư do phải điều chỉnh tuyến theo yêu cầu của địa phương và cập nhật dự toán chi phí theo quy định hiện hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các Bộ ban ngành và UBND các tỉnh để thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư các dự án.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang xem xét hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của 4 dự án này. Dù tốc độ triển khai các phần việc là rất sốt sắng, nhưng để dự án hoàn thành vào tháng 6/2024 vẫn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Mới đây, EVN triển khai thi công xây dựng công trình đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) có chiều dài khoảng 44,71km gồm 2 mạch, được xây dựng trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nối từ cụm Nhà máy điện gió Monsoon (Lào) đến trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ.
Khi đưa vào vận hành, công trình này có khả năng truyền tải công suất tối đa khoảng 2.500MW. Theo hợp đồng mua bán điện, thời gian tới khi vào vận hành, đường dây sẽ nhận điện nhập khẩu các nguồn điện gió từ phía Lào với công suất 600MW và sản lượng điện dự kiến bình quân hàng năm khoảng 1,7 tỷ kWh.
Đây là một trong số những công trình lưới truyền tải phục vụ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đang được gấp rút đầu tư song cũng gặp không ít vướng mắc.
Cần cơ chế đặc thù
Theo EVN, việc đầu tư các dự án lưới điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc chuyển đổi đất rừng. Để có thể mở đường vào vị trí thi công, đường dây Monsoon - Thạnh Mỹ phải lấy 17 chữ ký các bộ, ngành, địa phương về việc sử dụng tạm rừng tự nhiên là 4ha.
Dự án cấp bách đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối cũng có đoạn Quảng Bình – Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đi qua rừng.
Ngoài ra, thời gian qua phát sinh một số vướng mắc mới khi triển khai các dự án truyền tải. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới TCVN 2737:2023 trong thiết kế có thể làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư lên gần 20% dẫn đến việc phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt lại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Đây cũng là những "điểm nghẽn" mà đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về năng lượng đã chỉ ra. Phát sinh này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, lãng phí vốn đầu tư.
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cho rằng nếu vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành, chắc chắn không thể đưa dự án này vào vận hành đúng tiến độ vì trung bình làm một dự án tương tự cần đến 3-4 năm. Ông Hoạch cho rằng cần ban hành cơ chế đặc thù cho dự án này.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu các đề xuất của EVN, EVNNPT về cơ chế đặc thù để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định vì đây là dự án có tính cấp bách và đặc biệt quan trọng.
Góp ý cho cơ chế này, ông Nguyễn Huy Hoạch đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án là EVNNPT chỉ định nhà thầu tư vấn, không qua đấu thầu. Có thể chỉ định 1 nhà thầu tư vấn chính và một vài tư vấn phụ nhằm đảm bảo tính thống nhất bố trí tuyến đường dây.
Một cơ quan cần thiết khác là cho phép đồng thời lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt thì hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật.
Với công tác đền bù, tái định cư, cơ quan chức năng cần giao cho cấp huyện chủ trì thực hiện. Ngoài ra, cả 4 dự án thành phần đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch tới Phố Nối cần đồng loạt thi công mới có thể hướng đến mục tiêu hoàn thành trước 30/6/2024.
Giá truyền tải thấp, khó hút vốn đầu tư
Báo cáo tổng hợp rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện do Chương trình phát triển năng lượng thấp Việt Nam II (V-LEEP II) thực hiện còn chỉ ra một bất cập nữa là giá truyền tải còn thấp nên khó thu hút vốn tư nhân đổ vào làm truyền tải.
"Do giá truyền tải điện hiện được áp dụng thống nhất cho toàn quốc không phụ thuộc vào khoảng cách truyền tải và điểm giao nhận điện. Vì thế, lưới điện đấu nối nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) có sản lượng điện năng truyền tải thấp sẽ rất khó thu hồi vốn đầu tư", báo cáo chỉ nêu do phản ánh tình trạng thừa điện tái tạo do thiếu lưới.
Do vậy, để thu hút nguồn vốn cho tư nhân đầu tư lưới truyền tải, V-LEEP II kiến nghị: Cần ban hành biểu giá truyền tải mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng dự án lưới truyền tải có thể thu được lợi nhuận khi đầu tư.
Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giá truyền tải điện bảo đảm thu hút đầu tư vào lưới điện truyền tải và theo từng khu vực địa lý.
Mời độc giả đón đọc kỳ 3: Mở cửa cho điện "sạch"
Tình trạng đầu tư ồ ạt điện mặt trời, điện gió ở miền Trung và miền Nam nhưng không sử dụng được do thiếu truyền tải gây lãng phí lớn. Trong khi đó, một loạt dự án điện than thuận lợi cho phát triển nguồn ở miền Bắc vẫn đang chờ được "bật đèn xanh" để chuyển đổi thành các dự án phát điện từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm phù hợp với chuyển dịch năng lượng "xanh, sạch".
Cách nào để tháo gỡ điểm nghẽn, để Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận