Anh Nam - người trưa thứ hai nào cũng đến để ăn suất cơm thiện nguyện - Ảnh: Trần Thúy |
Trưa thứ hai hàng tuần, nhà hàng Tiếu Ngạo quán - số 9 ngõ 120 đường Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) lại thấp thoáng bộ đồng phục bảo vệ, công nhân hay xe ôm của khách dùng bữa trưa với giá chỉ 1 nghìn đồng!
Những “thượng đế” đặc biệt
Sau thời gian dài nghỉ sinh em bé thứ hai, chị Nguyễn Thị Vinh (34 tuổi) đã trở lại công việc bán rau ở chợ Mỹ Đình. Được mấy bạn đi chợ giới thiệu, chị Vinh lần đầu biết đến quán cơm “1 nghìn đồng” tổ chức vào thứ hai hàng tuần. “Suất cơm rẻ mà rất ngon, chất lượng. Quán sạch, nhân viên lại nhiệt tình, tôi rất yên tâm khi dùng cơm tại đây”, chị Vinh nhận xét và cho biết, sẽ quay lại quán hàng tuần.
Sau hơn một năm hoạt động, số tiền trong hòm từ thiện đang ngày một đầy hơn. Anh Vũ chia sẻ, số tiền thu được từ chương trình “Suất cơm 1 nghìn đồng” sẽ dành để chi cho các hoạt động thiện nguyện như ủng hộ đồng bào vùng lũ hay tổ chức chuyến xe về quê ăn Tết cho các bạn sinh viên khó khăn. Anh Vũ cũng cho biết, đang xây dựng kế hoạch nhân rộng chương trình “Suất cơm 1 nghìn đồng” này để những suất cơm nhỏ đến được với nhiều người hơn. |
Chồng bị TNGT với tỷ lệ thương tật 60% đã mấy năm, cô Bùi Kim (50 tuổi) nhà ở Hoài Đức (Hà Nội), phải lặn lội vào - ra khu vực Mỹ Đình bán hàng rong. Kinh tế gia đình bao gồm chi phí sinh hoạt, chăm lo cho người chồng bị tàn tật và người con út học đại học, chỉ trông chờ vào gánh hàng của cô. Suất cơm 1 nghìn đồng vào mỗi trưa thứ hai tuy không quá nhiều nhưng cũng an ủi và giúp đỡ cô được phần nào trong việc giảm chi phí sinh hoạt. “Mong rằng bữa cơm 1 nghìn đồng này đồng hành lâu dài cùng những người nghèo như chúng tôi”, cô Kim nói.
Anh Trần Văn Nam, một xe ôm tại khu vực bến xe Mỹ Đình, trưa thứ hai nào cũng đến quán cho biết, anh ăn cơm ở đây không hẳn vì rẻ mà vì ủng hộ một hoạt động rất có ý nghĩa và mong rằng: “Hà Nội có thêm nhiều những quán cơm như thế này”.
Chị Vinh, cô Kim hay anh Nam là ba trong số hàng trăm khách quen của chương trình “Suất cơm 1 nghìn đồng” tại nhà hàng Tiếu Ngạo. Anh Nguyễn Anh Vũ, chủ quán cho biết, Tiếu Ngạo vốn là nhà hàng chuyên lẩu nướng. Nhưng anh Vũ đã quyết định dành thứ hai hàng tuần để tổ chức bữa ăn 1 nghìn đồng, từ tháng 9/2016 đến nay, với mong muốn chia sẻ với những người lao động quanh khu vực. Chi phí mua đồ ăn, trả lương nhân viên... được trích một phần từ thu nhập của nhà hàng và của cá nhân anh Vũ đóng góp với mong muốn làm điều gì đó thiết thực giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.
Niềm vui ấm áp
Nhớ lại những ngày đầu triển khai, anh Vũ cho biết, cũng phải “tiếp thị” bằng cách cho nhân viên của quán đi phát tờ rơi ở các chợ, khu vực bến xe, hầm cầu vượt vào chiều chủ nhật. Song thời điểm đó, lượng khách đến Tiếu Ngạo vào trưa thứ hai hàng tuần cũng rất dè dặt, bởi không ít người cho rằng đó là một “chiêu” quảng cáo, thu hút khách. Rồi một vài vị khách tò mò tìm đến ban đầu cũng chính là những người “marketing truyền miệng” cho chương trình này để lượng khách tăng dần lên.
Có mặt tại nhà hàng Tiếu Ngạo trưa thứ hai một ngày giữa tháng 10, PV Báo Giao thông chứng kiến những khay đồ ăn được nhân viên nhà hàng chuẩn bị cẩn thận, đảm bảo vệ sinh trước khi đón những người khách đầu tiên. Khách ăn trưa, người mặc bộ đồ bảo vệ, người trong đồng phục Grab, người vừa chở xe ba gác, người bán hàng rong, công nhân phụ hồ, hay có khi là người đánh giày đi ngang qua...
Mọi người sau khi ăn xong, sẽ bỏ tiền vào hòm từ thiện đặt ngay ngoài cửa quán. Có người bỏ 1 nghìn, 2 nghìn đến 20 nghìn, nhưng cũng có người bỏ vài trăm nghìn đồng. Phải quản lý nhiều nhà hàng khác nhau, song dù bận công việc đến mấy, chủ quán Nguyễn Anh Vũ trưa thứ hai nào cũng cố gắng sắp xếp thời gian có mặt tại đây bởi với anh, chứng kiến khách dùng cơm ngon miệng là một niềm vui. “Hôm rồi có bác lái xe ôm đến ăn trưa, ăn hết 1 suất, thấy ngon miệng lại lấy thêm suất nữa. Hay có nhiều bạn sinh viên sau khi đến ăn tình nguyện ở lại hỗ trợ các bạn nhân viên dọn, rửa bát. Với tôi, đó là những giây phút thật ấm áp”, anh Vũ chia sẻ và cho biết thêm, cũng có những hôm khách vắng, đồ ăn quán chuẩn bị còn dư nhiều, nhân viên phải đóng thức ăn vào hộp mang đến nhà trọ của các bạn sinh viên quanh đó mời tặng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận