Năm 2020, số lao động thất nghiệp tăng gần 20% so với năm 2019, lao động thời vụ dịp Tết vì thế cũng khó kiếm việc, thu nhập giảm (Ảnh minh họa)
Việc ít, thu nhập giảm
Chị Thu Hương, công nhân một công ty sản xuất phụ tùng và bộ phụ trợ cho xe có động cơ ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, do tác động của dịch Covid-19 nên năm nay ít việc, không có tăng ca, thu nhập của chị giảm còn một nửa so với năm ngoái.
“Cuộc sống của 4 người trong gia đình tôi phải chật vật với thu nhập trung bình của 2 vợ chồng chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/người. Trong khi, mỗi tháng phải chi trả tiền thuê nhà, nuôi 2 con nhỏ đi học, tiền ăn uống, điện nước đã vượt khoản thu…”, chị Hương nói.
Do vậy, chị Hương quyết định không về quê, ở lại Hà Nội kiếm thêm công việc làm qua Tết. “Vài tuần nay, tôi nhận lau nhà ngoài giờ làm việc tại khu vực huyện Đông Anh cho một công ty dịch vụ việc làm với giá 40-50 nghìn đồng/giờ. Tôi cũng đã đăng ký phụ giúp việc nhà từ ngày 28 đến ngày mồng 4 Tết giá 500 nghìn đồng/ngày”, chị Hương chia sẻ.
Theo chị Thu Hoài (Tây Hồ, Hà Nội), một công nhân theo nhóm chuyên dọn nhà có “thâm niên”, những ngày giáp Tết năm nay ảm đạm chưa từng có bởi việc làm ít nên mức lương cũng bị giảm.
“Ngày này hàng năm, chúng tôi liên tục tăng ca làm ngày làm đêm, có khi còn không dám nhận thêm. Nhưng đến thời điểm này, nhiều công ty quen cũng không thấy đặt lịch, hộ gia đình cũng giảm đi nhiều, lượng việc chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút đỉnh”, chị Hoài nói.
Chị Hoài dẫn chứng, mọi năm chị thường được trả lương 350 nghìn đồng/ngày giờ hành chính và tăng lên 500 nghìn đồng/3 tiếng khi làm thêm buổi tối. Song năm nay chỉ còn 300 nghìn đồng/ngày, còn buối tối là 80 nghìn đồng/tiếng.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Thị Thương, giám đốc một công ty giới thiệu việc làm tại Hà Nội nhận định, Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường việc làm thời vụ dịp cuối năm.
“Lao động dịp này thường tập trung ở lĩnh vực như kinh doanh, dịch vụ, bán hàng, giao hàng, lau dọn nhà, giúp việc nhà… Năm nay, nhu cầu mỗi lĩnh vực đều sụt giảm tới hơn 30%”, chị Thương nói và lý giải, hiện nay, rất ít công ty lấy lại được “phong độ cũ” nên số giờ làm việc của họ giảm, lượng hàng bán ra cũng giảm theo.
Chị Thương khẳng định, mức lương chi trả cho việc làm thời vụ năm nay giảm mạnh ở một số lĩnh vực. Đơn cử như giúp việc dịp Tết, mức chi trả phần lớn rơi vào khoảng 500 nghìn đồng/ngày, trong khi năm ngoái ở ngưỡng 600-700 nghìn đồng/ngày… “Người tìm việc thì nhiều nhưng việc tìm người ít đi. Từ đầu tháng 12 đến nay, chúng tôi chỉ mới nhận được 50 đơn hàng tìm giúp, chỉ bằng 60% những năm trước”, chị Thương nói.
Thất nghiệp tăng mạnh
Ghi nhận của Báo Giao thông, tại Siêu thị Big C, đơn vị có lượng tuyển dụng hàng nghìn lao động vào dịp này, năm nay giảm còn 200 nhân sự với các vị trí như nhân viên quầy hàng, nhân viên quầy chế biến, nhân viên gói quà Tết, nhân viên thu ngân…
“Chúng tôi chỉ bổ sung thêm nhân lực đóng gói các kiện hàng Tết trong những ngày cao điểm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phân bổ và cân nhắc nếu cần sẽ tuyển thêm vì không sợ thiếu người trong năm nay”, vị đại diện nhân sự cho biết.
Ông Luyện Thế Phiệt, Giám đốc Công ty CP EURO SUN Việt Nam cho biết, để tạo thêm thu nhập cho nhân viên bù lại những tháng cách ly bị giảm doanh thu, công ty cho họ chọn được làm thêm ở các vị trí cần người.
“Chúng tôi đã tận dụng thời gian cách ly đào tạo thêm chuyên môn cho nhân viên, cũng dạy họ thêm cách chịu áp lực với khó khăn nên mỗi người đã có thể đảm nhận cùng lúc nhiều việc và thời điểm này rất thích hợp để phát huy”, ông Phiệt chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (TTDVVLHN) cho biết, nhu cầu tuyển dụng cuối năm bao giờ cũng rất sôi động với nhiều hình thức kết nối cung - cầu. Song năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng vẫn khá trầm lắng so cùng kỳ những năm trước.
Vị này phân tích, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành bán lẻ, dịch vụ ở các trung tâm thương mại… nhưng chỉ tiêu thấp hơn khoảng 15-20% so với năm 2020.
Doanh nghiệp đã tuyển dụng nhân viên từ tháng 8, 9 sau thời điểm cách ly để tập trung vào sản xuất và có xu hướng giảm vào quý IV nên khi thị trường vẫn “đuối” thì nhu cầu tuyển thời vụ cũng sẽ giảm theo. Chưa kể, năm nay là một năm có lượng lao động thất nghiệp rất nhiều, họ cũng phải tự đi tìm cơ hội cho mình vào dịp này.
Cụ thể, thời điểm tháng 5, 6, 7 thất nghiệp mỗi tháng hơn 10-11 nghìn người, một con số chưa từng có từ trước tới nay; giảm xuống còn khoảng 5-7 nghìn người mỗi tháng trong quý IV. Tính chung, có hơn 82.000 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, cao hơn năm trước là 70.000 người.
“Kết quả thực tế cho thấy, lượng việc cuối năm có khi còn ít hơn những tháng giữa năm. Các doanh nghiệp lớn cũng giảm đơn hàng, mức lương cũng chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng nhưng tính theo ngày làm việc. Các chế độ thu hút cũng không nổi bật. Một năm để lại nhiều dấu ấn như đúng những gì Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế”, vị đại diện nhận định.
Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhu cầu tuyển dụng trong các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, đặc biệt là dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, hàng hóa sẽ tăng. Trải qua những thay đổi, các doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc lại phương án sản xuất, kinh doanh; Đi qua biến động, doanh nghiệp cũng chuẩn bị nhiều phương án sản xuất, kinh doanh đi kèm phương án sử dụng lao động. Do vậy, để có những công việc tốt, người lao động nên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp được tổ chức theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận