Một chiếc xe tải biển số Tamil Nadu bị đốt cháy vì tranh chấp nước với bang Karnataka |
Cuộc khủng hoảng nước đang diễn ra ngày càng trầm trọng tại Ấn Độ; Thậm chí đã xảy ra bạo lực nghiêm trọng tại trung tâm công nghệ Bangalore, hay còn gọi là Thung lũng Silicon, bang Karnataka, liên quan đến tranh chấp kéo dài về nguồn nước với bang láng giềng Tamil Nadu.
Bạo động vì tranh chấp nước
Bạo lực xảy ra hồi giữa tuần này sau phán quyết của Tòa án Tối cao về việc chia sẻ nguồn nước sông Cauvery giữa bang Karnataka và bang Tamil Nadu. Sông Cauvery xuất phát từ bang Karnataka và chảy qua bang Tamil Nadu trước khi đổ ra vịnh Bengal. Theo phán quyết ngày 12/9 của Tòa án Tối cao, bang Karnataka phải xả 5.740 m3/giây cho bang Tamil Nadu đến ngày 20/9. Điều này có nghĩa là gần 25% lượng nước hiện có ở lưu vực sông Cauvery sẽ chảy xuống hạ lưu ở Tamil Nadu.
Phán quyết này khiến người dân Karnataka tức giận, bởi trong tình trạng khủng hoảng nước kéo dài như hiện nay, nguồn nước sông chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cơ bản chứ không còn dư để xả nước xuống hạ nguồn. Đám đông biểu tình ở Bangalore ném đá, đốt xe buýt và ô tô mang biển số đăng ký Tamil Nadu. Ít nhất một người biểu tình đã thiệt mạng trong đêm sau khi cảnh sát địa phương nổ súng để giải tán đám đông đang cố phóng hỏa một xe cảnh sát. Lực lượng chức năng đã bắt giữ khoảng 200 người tại TP Bangalore. Nhiều cửa hàng, trường học và doanh nghiệp, trong đó có những công ty công nghệ Ấn Độ và nước ngoài tại thành phố này buộc phải đóng cửa.
Cảnh sát đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại 15 khu vực của TP Bangalore trong ba ngày từ 13/9 “nhằm duy trì hòa bình và ngăn chặn các sự cố” xảy ra trong dịp lễ Eid al Adha của người Hồi giáo. Khoảng 15.000 cảnh sát đã được triển khai trên nhiều đường phố của Bangalore để thực thi lệnh giới nghiêm.
Trên thực tế, vấn đề tranh chấp nguồn nước sông Cauvery giữa hai bang bắt đầu từ thế kỷ 19, thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, khi đó là giữa tỉnh Madras (bây giờ là bang Tamil Nadu) và tỉnh Mysore (bây giờ là bang Karnataka). Cả hai đều cho rằng mình cần nguồn nước cho hàng triệu nông dân trong khu vực. Rất nhiều cuộc đàm phán về vấn đề chia sẻ nguồn nước giữa hai bên trong nhiều năm đều thất bại.
Đến năm 1990, Tòa án về nguồn nước sông Cauvery được thành lập nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài trên. Năm 2007, tòa án này phán quyết bang Tamil Nadu sẽ nhận được 419 tỷ feet nước mỗi năm (127,7 tỷ m3), còn Karnataka chỉ nhận được 270 tỷ feet nước (82,3 tỷ m3). Tuy nhiên, bang Karnataka phản đối quyết định của tòa án và tuyên bố không thể thực hiện được do tình trạng thiếu mưa dẫn đến việc không thể chia sẻ nguồn nước với Tamil Nadu. Sau đó, Tamil Nadu đã kiện lên Tòa án Tối cao.
330 triệu người thiếu nước
Tranh chấp về nguồn nước giữa bang Karnataka và bang Tamil Nadu càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh khủng hoảng nước đang ảnh hưởng lớn đến Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Sau hai năm hạn hán liên tiếp, hiện 330 triệu người, tương đương 25% dân số, đang đối diện với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Cuộc điều tra mới đây của hãng tin RT cho thấy, tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi mỗi người chỉ được cung cấp 8 lít nước cho ăn uống, sinh hoạt trong 7 ngày.
Tại bang Rajasthan miền Bắc Ấn Độ, nguồn cung cấp nước chính cho người dân hiện nay là một xe bồn chở nước đến mỗi tuần một lần. Người dân địa phương cho biết, không có nguồn nước tự nhiên ở bất cứ nơi nào gần đó, vùng đất màu mỡ xưa kia đã biến thành một sa mạc. Bây giờ họ phải phụ thuộc vào các xe bồn chở nước, với mức trợ cấp 8 lít nước cho mỗi người trong 7 ngày để sử dụng cho tất cả các nhu cầu sinh hoạt. Nếu muốn có thêm nước, người dân phải bỏ tiền ra mua.
Jivi Ram, một phụ nữ ở làng Keshav Nagar tại Rajasthan cho biết: “Một bồn nước có giá 900 rupee (300 nghìn VND). Tôi không đủ khả năng chi trả, bởi tôi chỉ kiếm được nhiều nhất 200 rupee (gần 70 nghìn VND) mỗi ngày và nơi này cũng không hề có nước ngầm”. Hiện nay, người dân cố gắng thu thập nước mưa, tuy nhiên, nước mùa mưa rút rất nhanh. Các ao chứa nước mưa đều nhanh chóng cạn khô.
Tại tiểu bang Punjab khô hạn giáp biên giới Pakistan, cuộc khủng hoảng nước thậm chí còn dẫn đến nhiều vụ tự tử của các nông dân. Không có mưa, nông dân phải mua nước để tưới cho cây trồng trong nhiều tháng và rồi họ lại gánh một khoản nợ khổng lồ. Nhiều người đã tìm đến cái chết để thoát khỏi bế tắc.
Theo giới chức Ấn Độ, tình hình khủng hoảng nước hiện nay là do mật độ dân cư quá lớn, ít mưa và cuộc cách mạng thu hoạch của con người đã “hủy hoại các chu kỳ tự nhiên” bằng cách chặt phá rừng và đảo ngược dòng chảy của sông.
Hiện nay, nước từ các hồ chứa đã được sử dụng hết. Những cơn mưa cuối cùng đến vào năm 2015 là quá ít để cung cấp cho người dân trong khu vực. Trong khi đó, mùa mưa năm 2016 lại đến trễ, khiến cuộc khủng hoảng nguồn nước ngày càng trầm trọng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận