Trang The Drive của Mỹ đưa tin, ngày 5/10, quân đội Ấn Độ vừa tuyên bố rằng họ đã thử nghiệm thành công một tên lửa chống ngầm siêu thanh thế hệ mới.
Theo công bố, tên lửa này mang một ngư lôi hạng nhẹ làm đầu đạn tấn công và được phóng lên không trung qua khu vực mục tiêu được chỉ định, sau đó vũ khí đó hoạt động như bình thường và sử dụng hệ thống dẫn đường riêng để tìm kiếm tàu ngầm đối phương để tiêu diệt.
Được mệnh danh bằng ý nghĩa của cụm từ “Supersonic Missile Assisted Release of Torpedo” có nghìa là “giải phóng ngư lôi dưới sự hỗ trợ tên lửa siêu thanh”, hay còn được viết tắt là hệ thống tên lửa “SMART”.
Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa diệt tàu ngầm SMART, có thể mang lại cho tàu chiến của Hải quân và các đơn vị phòng thủ bờ biển của quân đội Ấn Độ một năng lực tấn công phòng thủ rất mạnh.
Theo trang thông tin của Mỹ, một công cụ phòng ngự bổ sung như tên lửa SMART sẽ có giá trị rất lớn khi Ấn Độ đối mặt với các mối đe dọa tàu ngầm ngày càng tăng từ các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), chi nhánh nghiên cứu và phát triển vũ khí hàng đầu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đã công bố cuộc thử nghiệm SMART vào ngày 5 tháng 10 năm 2020.
Theo đó, một bệ phóng trên mặt đất, gắn trên xe tải được sử dụng để bắn tên lửa SMART từ Đảo Wheeler nhằm vào một khu vực giả định được bố trí ngay ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Ấn Độ, trong vùng nước thuộc Vịnh Bengal.
"Tất cả các mục tiêu của lần thử nghiệm, bao gồm độ dài đường bay, phạm vi và độ cao tối đa, thời điểm tách nón mũi (đầu đạn) - phóng ngư lôi và triển khai cơ chế giảm tốc (VRM) (bằng dù) đã được đáp ứng hoàn hảo", một tuyên bố chính thức của DRDO viết .
Các trạm theo dõi (Radar, Hệ thống điện quang) dọc theo bờ biển và các trạm đo từ xa bao gồm các tàu tầm thấp đã theo dõi tất cả diễn biến của cuộc thử nghiệm vũ khí.
Ấn Độ bắt đầu phát triển dự án chế tạo tên lửa tấn công tàu ngầm có tốc độ siêu thanh SMART từ năm 2016 và mục tiêu ban đầu là sản xuất được các tên lửa có tầm bắn tối đa 650 km. Tuy nhiên, không rõ vũ khí đã bay bao xa trong cuộc thử nghiệm cụ thể vừa qua.
Đầu đạn của tên lửa này là ngư lôi TAL (Torpedo Advanced Light), còn được gọi là Shyena. Ngư lôi TAL có đầu đạn tự dẫn định vị thủy âm, tầm hoạt động kéo dài khoảng 10 dặm với tốc độ tối đa 33 hải lý/giờ.
Điều quan trọng cần lưu ý là hệ thống tên lửa kết hợp ngư lôi chống ngầm này không phải là mới đối với quân đội của một số cường quốc quân sự. Ví dụ, Hải quân Hoa Kỳ trang bị Tên lửa chống tàu ngầm phóng thẳng đứng RUM-139 (VL-ARSOC), được bắn từ các bệ bắn của hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 tiêu chuẩn và mang theo đầu đạn ngư lôi hạng nhẹ Mk 54.
Một ví dụ khác là vũ khí chống hạm RPK-6 của Nga, một thiết kế từ thời Liên Xô mà NATO còn gọi là SS-N-16 Stallion, được bắn thẳng xuống nước từ một ống phóng ngư lôi trước khi lao vọt lên trời.
Cũng đã có ít nhất một thiết kế tên lửa chống ngầm siêu thanh phóng thẳng đứng Type 07 của Nhật Bản, đang được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, điều mà hệ thống tên lửa chống ngầm siêu thanh SMART của Ấn Độ khác biệt nhất so với các thiết kế trước đó là phạm vi tấn công. Tên lửa Type 07 của Nhật có tầm hoạt động hơn 30 km, tương đương hơn 18 dặm.
Phạm vi của hệ thống VL-ASROC của Mỹ là khoảng 22 km, tương đương dưới 14 dặm. Trong khi đó, vũ khí RPK-6 của Nga có tầm bắn tối đa lớn hơn đáng kể so với những vũ khí này khoảng 60 dặm, nhưng đó vẫn là nhỏ so với dự án vũ khí SMART của Ấn Độ.
Theo thông cáo báo chí chính thức, tên lửa thử nghiệm SMART có thể là "một cuộc trình diễn công nghệ thay đổi cuộc chơi trong Chiến tranh chống tàu ngầm".
Trang thông tin quân sự của Mỹ nhấn mạnh rằng, nếu vũ khí SMART của Ấn Độ hoạt động như quảng cáo và có đủ năng lực giám sát và mạng lưới để hỗ trợ nó, loại tên lửa này sẽ cung cấp cho bất kỳ tàu chiến nào được trang bị SMART khả năng chống ngầm ở tầm xa.
Các loại phương tiện hải quân khác, chẳng hạn như trực thăng chống ngầm, như loại MH-60R Seahawks (sẽ được trang bị trong tương lai của Hải quân Ấn Độ) nếu được lắp đặt hệ thống hỗ trợ, có khả năng cung cấp thông tin mục tiêu cho các tàu trang bị SMART sau khi tìm thấy tàu ngầm của đối phương, sẽ giúp chúng linh hoạt hơn để đối phó với những mối đe dọa nguy hiểm này một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, có những nền tảng khác, bao gồm máy bay tuần tra hàng hải, chẳng hạn như P-8I Poseidons của Hải quân Ấn Độ, một biến thể của P-8A Poseidon của hãng Boeing, cũng có thể giúp phát hiện và theo dõi mục tiêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận