Thông tin được hãng Business Insider công bố vào ngày 3/5. Theo đó, vụ việc xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không Air India từ Delhi tới Dubai vào ngày 27/2 và mãi đến ngày 3/3, một thành viên phi hành đoàn mới báo cáo lên hãng bay.
Theo đó, phi công đã mời một người bạn là nữ giới vào buồng lái trong hơn 1 giờ. Ngoài ra, phi công cũng yêu cầu thành viên phi hành đoàn mang đồ uống, đồ ăn vào buồng lái cho bạn.
Trong bản tường trình sự việc, tiếp viên của hãng Air India thuật lại: "Tôi đã nói với Cơ trưởng là cảm thấy không thoải mái khi phục vụ đồ uống có cồn trong buồng lái”. Phi công liền thay đổi thái độ, cư xử rất thô lỗ với các thành viên phi hành đoàn.
Theo trang web về tin tức hàng không SimpleFlying, phi công còn yêu cầu chuẩn bị buồng lái “trông ấm áp, thoải mái như thể anh ta đang sắp xếp phòng khách để đón bạn gái”.
Máy bay của hãng Air India (Ảnh: AFP)
Tới ngày 21/4, Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) đã gửi thông báo tới Giám đốc điều hành Air India Campbell Wilson và ban quản lý an toàn của hãng, đề nghị giải trình lý do chậm trễ báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng. DGCA cũng yêu cầu toàn bộ thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay này phải đình chỉ hoạt động chờ điều tra.
Ngày 1/5, hãng hàng không Air India gửi thông báo, yêu cầu tất cả phi công của hãng phải tuân thủ quy định mang tên "sterile cockpit", cấm các cuộc trao đổi không cần thiết, các hành vi gây xao lãng trong buồng lái như thành viên phi hành đoàn ra vào buồng lái, nhắn tin…, tức là thời điểm máy bay ở độ cao dưới 3.000m.
Theo Economic Times, hiện có khoảng 1.800 phi công đang làm việc cho hãng Air India.
Hãng tin Hindustan Times dẫn thông báo từ Air India xác nhận những sự cố gần đây cho thấy đã xảy ra sai phạm trong việc duy trì môi trường buồng lái làm việc tập trung, dẫn tới sai sót đe dọa an toàn bay không đáng có.
Trao đổi với hãng Business Insider, một phát ngôn viên của Air India cho biết, hãng bay đang tiến hành cuộc điều tra nội bộ về sự việc song song với cuộc điều tra độc lập của cơ quan chức năng Ấn Độ. Thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay đã bị đình chỉ hoạt động theo yêu cầu của DGCA.
Quy định "sterile cockpit" được ban hành lần đầu tiên bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào năm 1981 sau khi một số vụ tai nạn hàng không được xác minh là do phi công nói chuyện, trao đổi trong buồng lái, không tập trung làm nhiệm vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận