Thế giới giao thông

Ấn Độ: Nghi ngờ tham nhũng trong vụ sập cầu 26 người chết

11/04/2016, 07:27

Nghi ngờ tham nhũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm họa, Chính phủ lập tức mở cuộc điều tra hình sự.

sapcauando3

Người dân Ấn Độ bức xúc sau vụ sập cầu khiến hàng trăm người thương vong

Vụ sập cầu vượt đang xây tại khu dân cư đông đúc ở TP Kolkta, bang West Bengal, Ấn Độ ngày 31/3 vừa qua khiến hàng trăm người thương vong làm bùng lên ngọn lửa vốn âm ỉ của người dân về vấn đề tham nhũng và an toàn thi công xây dựng.

Cầu sập tại... Chúa

Khoảng 100m cầu vượt bắc qua Girish Park - khu dân cư đông đúc, nổi tiếng với các chợ bán buôn bị gãy sập hôm 31/3. Xe cộ, người đi bộ đang di chuyển bên dưới bị hàng tấn bê tông sắt thép đè lên khiến 26 người thiệt mạng, hơn 80 người bị thương. Giới chức buộc phải sơ tán tạm thời 62 gia đình sống gần đó tới khi ổn định giao thông tại khu vực này.

Nghi ngờ tham nhũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm họa, Chính phủ lập tức mở cuộc điều tra hình sự; cáo buộc tội giết người đối với Công ty thi công IVRCL. Cơ quan chức năng bắt giữ ba nhân viên IVRCL và họ phải hầu tòa ngày 2/4; 7 nhân viên khác đang bị giam giữ. Các nhân viên này đang bị thẩm vấn và có nguy cơ bị truy tố các tội danh giết người và ngộ sát, có thể dẫn tới án chung thân. Ngoài ra, hai kỹ sư cấp cao đến từ Cơ quan Phát triển Đô thị Kolkata, đối tác liên doanh của IVRCL bị đình chỉ công tác.

Song, giới chức công ty IVRCL liên tục tìm những lý do “trời ơi, đất hỡi” để biện hộ. Ông Sheela Peddinti, Cố vấn Pháp lý của công ty này cho biết: “Tại hiện trường, nhiều cửa kính vỡ nát. Do đó, rất có khả năng đánh bom gây sập cầu”. Thậm chí, vụ tai nạn, một Giám đốc thi công còn đổ lỗi: “Cầu sập vì đó là ý của Chúa. Chúng tôi chưa bao giờ gây ra tai nạn trong 27 năm nay”.

Không ai nhận lỗi

Không chỉ công ty thi công chối quanh mà giới chức Ấn Độ cũng tìm cách “phủi” tay, đổ lỗi trách nhiệm vụ sập cầu. Các đảng đối lập chỉ trích dự án không có kế hoạch xây dựng phù hợp, quy định chính phủ lỏng lẻo cho phép xây dựng ngay tại khu vực thương mại đông đúc dẫn đến thương vong lớn.

Trong khi đó, Thủ hiến bang West Bengal Mamata Banerjee đổ trách nhiệm cho chính quyền tiền nhiệm đã chọn nhà thầu kém chất lượng cho dự án cầu vượt quan trọng và không có biện pháp đảm bảo an toàn.

Ý tưởng xây dựng cầu vượt này được khởi xướng từ năm 2007 nhằm giải toả ách tắc giao thông. Tuy nhiên, phải đến năm 2009, dự án mới được xây dựng vì thiếu vốn. Ngay từ đầu, người dân địa phương đã cực lực phản đối vì cầu quá sát với nhà dân - từ thành cầu tới lan can các tòa chung cư nhà dân chỉ cách nhau hơn 1 m. Dự án này cũng 9 lần “lỡ hẹn” về đích. Thời hạn hoàn thành đầu tiên là tháng 8/2010 còn “deadline” cuối cùng là tháng 8/2016 nhưng mới đến tháng 3 thì thảm họa ập xuống.

Một trong những lý do khiến việc thi công bị lần lữa là vị trí cầu nằm ngay nơi đông dân cư, xe cộ qua lại như mắc cửi nên Chính phủ loay hoay tìm cách đảm bảo an toàn xây dựng và sinh hoạt người dân. Ngoài ra, trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6-12/2014), IVRCL gần như không hoạt động vì phá sản. Sau khi tái cơ cấu xong, công việc thi công mới được khởi động lại.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, Thủ hiến bang West Bengal vẫn giao hàng loạt dự án quan trọng cho IVRCL, điều này khiến người ta nghi ngờ có hành vi “tham nhũng” đằng sau. Không chỉ vậy, các chuyên gia còn e ngại, việc trì hoãn một thời gian dài, rồi tái thi công khiến cho chất lượng suy giảm, một số vật liệu kim loại bị ăn mòn, chịu lực kém dẫn đến sập cầu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.