Khám phá

Ấn Độ phóng "45 triệu USD" lên trời: Giải mã bí ẩn cầu lửa 5.500 độ C

29/08/2023, 10:51

Nỗ lực này được triển khai chỉ ít ngày sau khi Ấn Độ đổ bộ thành công lên Mặt trăng.

Theo tin tức mới nhất của Space.com, Ấn Độ lên kế hoạch phóng tàu thăm dò Mặt trời Aditya-L1 đầu tiên vào ngày 2/9/2023, lúc 11h50 giờ địa phương Ấn Độ.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã công bố kế hoạch này vào ngày 28/8 - 5 ngày sau khi quốc gia này đưa tàu đổ bộ thành công lên cực Nam Mặt trăng.

Tàu vũ trụ sẽ cất cánh trên Phương tiện phóng vệ tinh Polar (PSLV) từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, trên đảo Sriharikota, ngay ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ.

S. Unnikrishnan Nair - Giám đốc Trung tâm vũ trụ Vikram Sarabhai nói với Times of India, ISRO đã bước vào chặng cuối cùng của quá trình chuẩn bị phóng. "Phương tiện phóng và tàu vũ trụ đã được tích hợp. Bây giờ, chúng tôi đang tiến hành các cuộc thử nghiệm sau đó PSLV sẽ được chuyển đến bệ phóng".

Tàu Mặt trời Ấn Độ

Hình minh họa về sứ mệnh thăm dò Mặt trời Aditya-L1 của Ấn Độ. Ảnh: Internet

Aditya-L1 ban đầu sẽ hướng tới Quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), nơi các hệ thống khác nhau của tàu sẽ nhận được sự kiểm tra tổng thể trong không gian từ nhóm sứ mệnh. Nếu mọi việc suôn sẻ, tàu vũ trụ sẽ dần dần nới lỏng quỹ đạo của nó, cuối cùng thoát khỏi lực hấp dẫn của hành tinh chúng ta.

Sau khi thoát khỏi lực hút của Trái đất, Aditya-L1 sẽ thực hiện quỹ đạo hình elip rồi tiến đến Điểm Lagrange 1 của Trái đất-Mặt trời - một điểm có lực hấp dẫn ổn định cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km.

Các quan chức ISRO viết trong mô tả sứ mệnh Aditya-L1: "Một vệ tinh được đặt trong quỹ đạo quanh điểm L1 có lợi thế lớn là liên tục quan sát Mặt trời mà không có bất kỳ sự che khuất/nhật thực nào - điều không thể thực hiện được từ Trái đất. Việc này sẽ mang lại lợi thế lớn hơn cho việc quan sát các hoạt động của Mặt trời và ảnh hưởng của nó đến thời tiết không gian trong thời gian thực".

Đó cũng chính là lý do sứ mệnh Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ có tên Aditya-L1, trong đó, Aditya nghĩa là "Mặt trời" trong tiếng Phạn, còn L1 chính là Điểm Lagrange 1 của Trái đất-Mặt trời.

Khi đến L1, tàu thăm dò sẽ sử dụng 7 công cụ khoa học để giải mã những bí ẩn của 'cầu lửa' nóng 5.500 độ C (ở bề mặt) theo nhiều cách khác nhau, bao gồm quan sát quang quyển, sắc quyển và các lớp ngoài cùng của Mặt trời ở các dải sóng khác nhau..

Dữ liệu của Aditya-L1 có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về động lực của các cơn bão Mặt trời và các vụ phun trào lớn của plasma Mặt trời siêu nóng được gọi là phun trào khối nhật hoa, các quan chức ISRO cho biết.

Sứ mệnh cũng có thể làm sáng tỏ lý do tại sao bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời, được gọi là vành nhật hoa, lại nóng hơn rất nhiều so với bề mặt của nó.

Sứ mệnh lớn thứ 5 của Ấn Độ

Sứ mệnh thăm dò Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ Aditya-L1 trị giá khoảng 3,8 tỷ rupee (45 triệu USD). Nếu sứ mệnh thành công, điều này chứng tỏ tính hiệu quả của chương trình không gian tiết kiệm chi phí.

Sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời Aditya-L1 là sứ mệnh lớn thứ 5 của Ấn Độ sau Tàu quỹ đạo sao Hỏa Mangalyaan (2014); và 3 sứ mệnh Mặt trăng Chandrayaan 1, 2, 3, lần lượt theo các năm 2008, 2019, 2023.

Nếu sứ mệnh Mặt trời của Ấn Độ thành công, Ấn Độ sẽ cùng với NASA (Mỹ) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) trở thành thực thể thứ 3 trên thế giới phóng tàu để nghiên cứu Mặt trời.

Ấn Độ 2 (1)

Đường đi trên đất Mặt trăng do xe tự hành Pragyan tạo ra. Ảnh: ISRO

Ấn Độ (2) (1)

Hố va chạm do xe tự hành Pragyan chụp lại trên Mặt trăng. Ảnh: ISRO

Sứ mệnh Mặt trăng Chandrayaan-3 trị giá 74,6 triệu USD đã thành công rực rỡ, đưa quốc gia này trở thành nước thứ 4 đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng, sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc.

Tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyan của sứ mệnh Chandrayaan-3 dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng một ngày Mặt trăng (bằng 14 ngày Trái đất) trước khi 'kết thúc' vì cái lạnh buốt giá và bóng tối của đêm dài Mặt trăng.

Sau thành công của Chandrayaan-3, Ấn Độ thể hiện chương trình khám phá không gian tham vọng. Vào năm 2014, Ấn Độ đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao Hỏa và dự kiến sẽ thực hiện một sứ mệnh phi hành đoàn vào quỹ đạo Trái đất trong vài năm tới, bắt đầu bằng các chuyến bay thử nghiệm vào năm 2024.

Nguồn: Space, Times of India

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.