Ấn Độ có hệ thống đường bộ lớn nhất thế giới nhưng tổng số km đường cao tốc chỉ chiếm 2% |
Chính phủ Ấn Độ vừa công bố kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông đường bộ khổng lồ nhằm kích thích phát triển kinh tế. Đây là một ý tưởng không mới trên toàn thế giới, thậm chí Ấn Độ ấp ủ nhiều năm nay nhưng vấp phải nhiều thách thức lớn trong quá trình triển khai.
“Bình mới, rượu cũ”
Chính phủ Ấn Độ vừa thông báo chương trình xây dựng khoảng 83.677km đường bộ trong vòng 5 năm tới với chi phí 107 tỉ USD, kết nối bang Rajasthan phía Tây Bắc và bang Arunachal Pradesh phía Đông Bắc. Phần lớn trong số tiền hơn 100 tỉ USD này sẽ được chi vào chương trình xây dựng 34.800km đường cao tốc. Theo nhà kinh tế Mihir Swarup Sharma, đây căn bản là hình thức nâng cấp và tái thực hiện chương trình mà chính quyền New Delhi đã “thai nghén” suốt 2 thập kỷ qua.
Điều này cho thấy, Chính phủ của Thủ tướng Modi Narenda vẫn coi việc xây dựng đường bộ, nhất là đường cao tốc, là yếu tố cấp thiết để phát triển kinh tế.
BBC dẫn nghiên cứu của nhà kinh tế uy tín John Maynard Keynes cho rằng, chính phủ cần phải luôn luôn sẵn sàng cho vay thêm tiền và đầu tư vào việc công để có thể tái thúc đẩy tăng trưởng. Theo hãng tin Anh, quan điểm này đã được rất nhiều chính trị gia và quốc gia trên thế giới áp dụng mỗi khi đất nước gặp khó khăn hoặc chậm phát triển.
Vì tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ đã bị chậm lại trong suốt 3 năm trở lại đây và tỉ lệ tăng trưởng tụt giảm trong 6 quý liên tiếp, do đó, không ngạc nhiên khi Chính phủ Ấn Độ sẽ quyết chi hơn 100 tỉ USD để đổ vào giao thông.
Câu hỏi đặt ra, vì sao hạ tầng giao thông có thể trở thành động lực cho kinh tế? Ấn Độ là một trong những nước có hệ thống đường bộ lớn nhất thế giới với hơn 5,4 triệu km bao gồm đường cao tốc quốc gia, cao tốc liên bang, đường quận, huyện, làng... Tuy nhiên, đường cao tốc quốc gia chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng số km toàn hệ thống đường bộ.
Dự án mở rộng 83.677km sẽ tạo ra số lượng lớn việc làm cho khoảng 1 triệu lao động mới mỗi năm. Chính phủ tính toán, kế hoạch này sẽ tạo ra hơn 140 triệu việc làm theo ngày. Phần lớn lực lượng lao động Ấn Độ hiện nay đều có trình độ chưa thành thạo hoặc lành nghề ở mức độ vừa phải và các công việc liên quan tới xây dựng đường khá phù hợp với họ.
Nhiều thách thức
Thế nhưng, dự án trăm tỉ USD nói trên vấp phải nhiều trở ngại. Trước hết, chính phủ dự định huy động tiền xây dựng đường thông qua hình thức vay nợ từ các thị trường tài chính, các hình thức đầu tư tư nhân như hợp tác công tư, thu phí đường cao tốc, quỹ đường liên bang... Trên giấy tờ, kế hoạch này nghe có vẻ hết sức rõ ràng, dễ hiểu và hữu ích: Chính phủ xây đường, tạo công ăn việc làm. Thu nhập của người dân kích thích tiêu dùng, từ đó tạo động lực kinh tế.
Tuy nhiên, để làm 83.677km đường bộ trong 5 năm, Chính phủ Ấn Độ cần thực hiện với tốc độ trung bình 16.735km đường/năm. So sánh với thực tế, Ấn Độ chỉ xây được 4.410km đường trong khoảng thời gian từ 2014-2015. Năm 2015-2016, xây khoảng 6.061km. Như vậy, rõ ràng, Ấn Độ sẽ đối mặt với thách thức về tốc độ xây dựng đường bộ chưa từng có.
Hơn hết, công đoạn giải phóng mặt bằng cũng không đơn giản khi ngày càng có nhiều người phản đối các quy định thu hồi đất mới của chính phủ. Dù ông Nitin Gadkari, Bộ trưởng Bộ Cao tốc và đường bộ liên bang đã khẳng định rằng “nhiều chủ sử dụng đất trực tiếp đề nghị cung cấp đất của họ cho các dự án đường cao tốc sau khi giá bồi thường tăng” nhưng thực tế, việc thực hiện quy trình này không hề dễ dàng. Đơn cử trường hợp xây tuyến đường hành lang công nghiệp nối các thành phố Delhi và Mumbai. Dự án này được công bố gần 10 năm trước nhưng phần lớn dự án vẫn còn rất mơ hồ vì vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận