Một thỏa thuận quốc phòng vừa được Mỹ ký kết với chính quyền Maldives là một dấu hiệu của sự thay đổi địa chính trị lớn trong khu vực chiến lược Ấn Độ Dương, nơi từng bị thống trị bởi cường quốc Nam Á - Ấn Độ. Việc thỏa thuận không bị phản đối bởi Ấn Độ được cho là bước ngoặt trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Ấn Độ - Hoa Kỳ.
Maldives “chuyển mình” để hưởng lợi
Mỹ đã ký một thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng với Maldives (một quần đảo ở Ấn Độ Dương, vốn nổi tiếng với các khu du lịch cao cấp) nhằm tăng cường hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương.
Thông báo được đưa ra giữa tháng 9, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tìm cách tăng cường các liên minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Báo Nikkei của Nhật Bản cho hay, không giống như một sáng kiến hợp tác quân sự cách đây 7 năm, lần này thỏa thuận giữa Mỹ và Maldives không vấp phải sự phản đối từ Ấn Độ.
Năm 2013, New Delhi đã thành công trong việc ngăn chặn kế hoạch thỏa thuận của quân đội Mỹ với Maldives. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhằm cung cấp khuôn khổ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ- Maldives và không tạo ra “sự hiện diện quân sự mới”, như Washington trấn an Ấn Độ khi ký kết hợp tác với Maldives.
Chính phủ của Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih đã thể hiện một sự thay đổi so với những người tiền nhiệm. Sau khi ký thỏa thuận, Bộ Quốc phòng Maldives đã ra tuyên bố nói rằng “thỏa thuận sẽ bổ sung giá trị to lớn cho quan hệ đối tác tuyệt vời Hoa Kỳ - Maldives dựa trên nguyên tắc và lợi ích chung về hòa bình và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng như cướp biển và khủng bố”.
Theo báo Nikkei, thông điệp này là sự gật đầu của Maldives, quốc gia nhỏ nhất Nam Á, đối với bối cảnh rộng lớn hơn của hiệp định được Hoa Kỳ gọi là “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, được Tổng thống Donald Trump đã triển khai. Đây cũng là nơi Ấn Độ có những mối quan tâm chiến lược lớn.
Ấn Độ cũng là một phần của nhóm “Quad”, một liên minh bao gồm Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Các nước này đã tổ chức các cuộc đối thoại an ninh và diễn tập quân sự trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo ông Alaina Teplitz, Đại sứ Mỹ tại Maldives và Sri Lanka, thỏa thuận mở đường cho Maldives gia nhập các quốc gia khác với “trách nhiệm chung để duy trì các quy tắc và giá trị đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
“Thỏa thuận này thúc đẩy các cuộc đối thoại cấp cao, xây dựng năng lực đối tác và tăng khả năng tương tác với các đối tác của Hoa Kỳ trong Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Maldives”, Đại sứ Teplitz nhấn mạnh.
Quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ sâu sắc hơn
Các nhà phân tích Nam Á cho rằng sự thay đổi chiến thuật của Ấn Độ, điều khiến Mỹ có thể tham gia quốc phòng ở Maldives, đánh dấu bước chuyển mình sâu sắc hơn giữa Ấn Độ - Hoa Kỳ, quan hệ song phương và “nhận thức của New Delhi về vai trò của Mỹ” ở khu vực Ấn Độ Dương.
Theo giới quan sát, Ấn Độ và Mỹ được cho là sẽ hợp tác mạnh hơn về quốc phòng và an ninh sau khi Washington ký thỏa thuận quân sự với Maldives mà không bị New Delhi phản đối.
Aparna Pande, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington cho biết: “Mối quan hệ chiến lược sâu sắc giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ được phản ánh ở vai trò trung tâm của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Theo bà Pande, mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn và mở rộng giữa Mỹ và Ấn Độ đã xuất hiện, điều này sẽ ủng hộ lợi ích chiến lược của Ấn Độ trong chiến lược chống lại Pakistan, kẻ thù không đội trời chung của New Delhi trong khu vực.
“Giờ đây, Delhi coi sự hiện diện của Washington ở Sri Lanka, Maldives, Bangladesh hoặc Nepal là phù hợp với lợi ích chiến lược của Ấn Độ, đặc biệt là khi Washington không còn ủng hộ Pakistan”, chuyên gia Pande cho hay.
Cái bóng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở một dải Ấn Độ Dương mà Ấn Độ coi là sân sau của họ đã tạo nên đường đứt gãy trên biển này.
Tổng thống tiền nhiệm Abdulla Yameen đã đưa Maldives nghiêng về phía Trung Quốc trong 5 năm cầm quyền (từ 2013- 2018). Bắc Kinh đã bơm hàng triệu USD để tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong thời gian Yameen nắm quyền, khiến đất nước nhỏ bé này mang nợ ít nhất 1,4 tỷ USD, theo ước tính chính thức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận