Ngày 19/11, đội cứu hộ đã cân nhắc tới phương án mới đó là khoan thẳng đứng để giải cứu 41 công nhân.
Trước đó, nỗ lực khoan theo chiều ngang để đưa thêm đường ống cho phép các công nhân mắc kẹt bò ra ngoài, phải dừng lại do phát hiện tiếng nứt dẫn đến lo ngại đường hầm sập thêm.
Các quan chức cho biết trong lúc đang khoan, đội cứu hộ nghe thấy một âm thanh nứt vỡ khiến cả đội vô cùng lo lắng.
Sau đó, Công ty cơ sở hạ tầng và đường cao tốc của chính phủ NHIDCL cho biết, hoạt động khoan này đã phải tạm dừng do có khả năng hầm sụp đổ thêm.
Tính đến nay, đội cứu hộ đã khoan ngang được 24m qua đống đổ nát. Tuy nhiên để tới được khu vực công nhân mắc kẹt cần khoan đến 60m.
Nỗ lực cứu hộ đã bị chậm lại do các mảnh vỡ liên tục rơi xuống, cũng như các máy khoan hạng nặng quan trọng nhiều lần gặp sự cố, khiến lực lượng không quân phải 2 lần vận chuyển các phụ tùng mới bằng máy bay.
Hiện tại, đã có thêm máy khoan được đưa tới hiện trường. Đồng thời, giới chức đang tính toán sử dụng máy để khoan từ trên đỉnh đồi xuống khu vực nhóm nhân viên mắc kẹt.
Song phương án này có thể tốn thêm 4-5 ngày – ông Deepa Gaur đại diện chính quyền cho biết. Hơn nữa, cách khoan này đòi hỏi phải đào sâu gần gấp đôi so với khoan ngang.
Hãng PTI đưa tin công tác chuẩn bị khoan lỗ thẳng đứng từ đỉnh đồi đang được tiến hành.
Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục liên lạc với nhóm công nhân bị mắc kẹt qua bộ đàm, đồng thời đưa thực phẩm, nước, ô xy và thuốc men tới cho các nạn nhân qua một đường ống rộng 15 cm.
Vụ sập đường hầm xảy ra từ ngày 12/11 trong lúc đang thi công đường hầm nằm trong dự án đường bộ hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ nhằm kết nối các địa điểm hành hương trên núi dài 890km với chi phí 1,5 tỷ USD.
Bang Uttarakhand có lượng lớn người hành hương và khách du lịch hàng năm do đó bang liên tục xây dựng đường cao tốc để nâng cao khả năng kết nối.
Kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động hơn 200 nhân viên cứu trợ thiên tai tới hiện trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận