TIN LIÊN QUAN |
---|
Cận cảnh sự bẩn thỉu, lạc hậu tại các toa tàu của ngành Đường sắt Ấn Độ - Ngành được cho là huyết mạch của quốc gia |
Tàu “hành” khách
Sáng sớm tại sân ga Udaipur của Ấn Độ, giọng một nhân viên nhà ga vang lên thông báo cho hành khách về chuyến tàu sắp tới. Khi con tàu Mewar Express kéo đến, trước lúc tàu dừng hẳn, nhiều nam hành khách vội vàng ném hành lý qua cửa sổ sau đó chui người vào trong toa. Trong khi đó, lũ lượt phụ nữ dắt theo trẻ em chạy chân trần vội vàng nhảy lên tàu qua cửa chính.
Mới đây, để giúp tạo ngân sách mua tàu mới, hiện đại hóa đường ray, cải thiện độ an toàn, chính phủ nước này nâng mức giá vé hành khách lên 14,2% và giá vé hàng hóa lên 6,5% - mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm và ngay lập tức trở thành động thái chính trị gây tranh cãi và những cuộc biểu tình phản đối khiến chính phủ buộc phải hạ giá vé. |
Chỉ trong vài phút, các toa tàu đã chật người, ai nấy mồ hôi mướt mát. Một vài người may mắn có chỗ ngồi, người khác phải kiếm chỗ giữa hành lang đi lại. Mùi nước tiểu nồng nặc phả ra từ các nhà vệ sinh trên tàu cũ nát. Tất cả họ đều chịu đựng chung một bầu không khí nóng nực.
Kiếm được chỗ ngồi tạm gọi là tử tế, anh Rishabh Sultania, 24 tuổi, một chuyên gia quản lý marketing chia sẻ: “Đối với tôi, vấn đề lớn nhất là có thể đặt được một chỗ trên tàu. Vì dân số tăng nhanh nên để theo kịp nhu cầu, ngành Đường sắt cần phải có thêm nhiều tàu hoặc mở rộng thêm nhiều chỗ ngồi”.
Không chỉ riêng con tàu này, mỗi ngày, có khoảng 23 triệu hành khách phải trải qua cảnh tượng đó trên toàn bộ hệ thống tàu do Nhà nước quản lý - nơi được coi là “huyết mạch của quốc gia”.
Ngay trong bài phát biểu đầu tháng 7 này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, đường sắt là phương tiện di chuyển đường dài quan trọng cho gần 1,2 tỷ người dân. Tuy nhiên, hệ thống này mỗi năm tiêu tốn của chính phủ khoảng 300 tỷ ruppes (5 tỷ USD) tiền trợ cấp. Do thua lỗ và quá tải, không còn nguồn tiền nào khác để đổ vào đầu tư cải cách đường sắt nên ngành Đường sắt lớn thứ tư thế giới ngày càng trở nên xập xệ, bẩn thỉu, lỗi thời và đông đúc.
Sẽ có cải tổ lớn
Theo các nhà phân tích, để có thể cải cách hệ thống đường sắt lạc hậu của Ấn Độ, cần phải có nguồn vốn 500 tỷ USD trong vòng một thập niên tới. Chính phủ Ấn Độ không còn cách nào khác ngoài việc kêu gọi đầu tư của tư nhân và nước ngoài vào đường sắt.
Đầu tháng bảy, Thủ tướng Ấn Độ cho biết, ông hy vọng sẽ có thêm nhiều dòng chảy vốn tư nhân đầu tư vào hiện đại hóa đường sắt. Ông Modi nói: “Chúng tôi muốn các nhà ga tàu phải có cơ sở hạ tầng tốt hơn cả sân bay. Đây chính là ước mơ của chúng tôi. Các bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi trong tương lai gần. Các bên tư nhân sẽ sẵn sàng đầu tư vì đây là một dự án tốt làm lợi cho mọi người”.
Cũng trong tháng bảy, Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ, ông Sadananda Gowda cho biết tại cuộc họp nội các: “Rất nhiều dự án đường sắt trong tương lai sẽ được thực hiện theo mô hình PPP (Public - Private Partner, hợp tác công - tư). Ông Gowda hứa hẹn lập lại trật tự tài chính ngành Đường sắt, hoàn thành các dự án đã và đang bị trì hoãn trong thời gian dài, vận động nội các đồng ý kế hoạch dài hơi cho phép đầu tư trực tiếp từ ngước ngoài, đồng thời tái khởi động tham vọng đường sắt cao tốc.
Tuy nhiên, sau bài phát biểu của ông Gowda, thị trường cổ phiếu giảm mạnh, trong đó Texmaco Rail & Engineering giảm 19,9% trong khi Titagarh Wagons giảm 5% do các nhà đầu tư nhận thấy chính phủ vẫn đang loay hoay chưa tìm ra phương án cụ thể hay đặt ra những mục tiêu dài hạn để “xốc lại” ngành Đường sắt. Thay vào đó, ông Gowda chỉ đưa ra một số phương án tủn mủn như tăng chi tiêu vào việc “giặt giũ bằng máy” nhằm hạn chế giặt vỏ chăn gối của các toa giường nằm bằng tay, qua đó, giúp các toa này sạch sẽ hơn.
Ông Manish R. Sharma, Giám đốc điều hành Vốn và cơ sở hạ tầng của Công ty tư vấn tài chính doanh nghiệp Pricewaterhouse Coopers (PwC) tại Ấn Độ cho biết: “Ngân sách Nhà nước vừa được tuyên bố không có điểm gì cho thấy sẽ thu hút được ngành đầu tư tư nhân”.
“Mỗi ngày, tại Ấn Độ, trung bình có khoảng 40 người chết liên quan đến đường sắt. Khoảng 40% các vụ tai nạn đường sắt là do lỗi của nhân viên trong ngành”, theo báo cáo chính phủ năm 2012.
Trang Trần
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận