Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, hạ tầng đường thủy nội địa nằm trong danh mục các dự án được ưu tiên đầu tư của địa phương.
Theo đó, An Giang sẽ đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng. Địa phương sẽ quy hoạch 41 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 879,9km.
Trong đó, hình thành các tuyến vận tải thủy liên tỉnh, liên huyện (các tuyến giao thông vận tải đường thủy nội địa thuộc tỉnh quản lý, khai thác đảm bảo cấp kỹ thuật tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp VI).
Cụ thể, với các tuyến vận tải thủy nội địa liên tỉnh, sẽ tiến hành tăng cường năng lực vận tải tuyến Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Lương và tuyến vận tải thủy kết nối với Campuchia (sông Tiền).
Với các tuyến đường thủy nội địa địa phương định hướng sẽ nâng cấp, bảo trì, khai thác hiệu quả các tuyến như sông Hậu; sông Bình Di; sông Châu Đốc; kênh Vĩnh Tế, rạch cái Vừng, rạch Cù Lao Giêng.
Đáng chú ý, một số dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 bao gồm: nâng cấp nhánh cù lao Tây, sông Tiền (huyện Chợ Mới, Phú Tân), nâng cấp kênh Kênh Tri Tôn - Hậu Giang (huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên, huyện Châu Phú), nâng cấp Kênh Ba Thê (huyện Thoại Sơn, huyện Châu Thành, huyện Châu Phú). Đồng thời, nạo vét các sông như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao và các kênh như Tân Châu Lấp Vò - Sa Đéc, kênh Tri Tôn, kênh Tám Ngàn, kênh Vĩnh Tế...
Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng định hướng quy hoạch nhiều bến cảng thủy nội địa cho các tàu có trọng tải khoảng 300-10.000 DWT.
Trong đó, có các cảng, bến cho tàu hàng như khu bến Bình Long và cảng Hòa An đều quy hoạch cho tàu 10.000 DWT); Nâng cấp, cải tạo cảng Bình Long (cho tàu 2.500 DWT); Xây mới cảng Tân Châu (cho tàu 1.000 DWT); cảng Phú Tân (cho tàu 500 DWT); các cảng cho tàu 1.000 DWT như Cảng bốc xếp hàng hóa An Giang, Cảng bê tông ly tâm An Giang, Cảng Nhà máy xi măng An Giang, Cảng Gavi.
Bên cạnh đó, với những lợi thế về du lịch, An Giang cũng quy hoạch nhiều bến cảng thủy nội địa cho hoạt động du lịch như Cảng hành khách Long Xuyên, Cảng hành khách Châu Đốc, Bến tàu khách Núi Sập, bến tàu Phú Tân, Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Hiệp..
Việc quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa An Giang phải phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia, đảm bảo kết nối các phương thức giao thông thủy bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Với tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận