Quản lý

An Giang sẽ rà soát các khu mỏ còn hiệu lực để cung ứng cát cho cao tốc

12/01/2024, 13:32

Sau khi có nhiều người bị bắt vì liên quan đến sai phạm của Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại tỉnh An Giang thì hệ luỵ để lại không nhỏ, nhất là tình trạng thiếu cát cho cao tốc.

Nhiều khu mỏ bị dừng khai thác cát

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau khi phát hiện việc Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác cát vượt mức quy định, nhiều cán bộ, chủ doanh nghiệp ở An Giang đã bị bắt, trong đó có chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh...

Và thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, An Giang đã cho thu hồi 6 giấy phép khai thác mỏ cát...

Tiếp đến, ngày 11/12/2023, UBND tỉnh đã có chủ trương cho tạm dừng hoạt động khai thác cát đối với năm khu mỏ và ba khu vực nạo vét trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể là tạm ngừng hoạt động khu mỏ thuộc sông Tiền, xã Vĩnh Hoà, thị xã Tân Châu; khu vực sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân; khu vực sông Hậu thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân; trên sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và xã Hoà Bình, huyện Chợ Mới; trên sông Hậu, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và xã Long Giang, huyện Chợ Mới.

An Giang sẽ rà soát các khu mỏ còn hiệu lực để cung ứng cát cho cao tốc- Ảnh 1.

An Giang cho tạm dừng hoạt động nhiều mỏ cát và thành lập tổ xem xét xử lý các trường hợp khai thác vượt độ sâu quy định.

Các mỏ và khu vực nạo vét bị tạm dừng hoạt động thuộc Dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ sông Tiền khu vực xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu; Dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ sông Hậu đoạn qua xã Vĩnh Thạnh Trung (nay là thị trấn Vĩnh Thạnh Trung), huyện Châu Phú và Dự án nạo vét thông luồng đảm bảo giao thông sông Hậu đoạn từ đuôi Cồn Cóc - bến đò Chợ Mới, xã Phước Hưng, huyện An Phú.

Lý do mà ông Tô Hoàng Môn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang đưa ra, là sau khi kiểm tra sơ bộ, Sở TN&MT phát hiện trong số 8 khu mỏ, dự án nạo vét vừa nêu có địa hình đáy sông lồi lõm.

Một số nơi đạt và vượt mức chiều sâu theo thiết kế. Cụ thể là vượt quá độ sâu âm 15m ghi trên giấy phép. 

Do đó, UBND tỉnh đã có chủ trương cho tạm dừng tất cả các khu vực này. Đồng thời, thành lập tổ xem xét xử lý các trường hợp khai thác vượt độ sâu quy định.

Cao tốc vẫn chờ cát

Nhiều mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang tạm dừng hoạt động cũng đồng nghĩa nhiều dự án trọng điểm bị đình trệ, trong đó có các dự án xây dựng đường bộ cao tốc rơi vào tình trạng chờ cát.

Điển hình là Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang dài khoảng 57km, tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng. 

Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án này khoảng 9,3 triệu m3. Trước đây, ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) nhìn nhận, làm cao tốc không có gì quan trọng bằng cát.

Ông Du cho biết, dự án được khởi công tháng 6/2023 thì phải cơ bản hoàn thành các đoạn tuyến vào năm 2025, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, bàn giao và đưa vào sử vào năm 2027.

Do dự án đi qua vùng đất yếu nên cần thời gian gia tải từ 12 - 15 tháng, đây là công đoạn quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, trong thời gian gia tải, nhà thầu phải tạm dừng tất cả các hạng mục còn lại.

Do vậy, nếu cát về tới công trường không đảm bảo thời gian đề ra, nguy cơ tiến độ công trình sẽ bị chậm so với kế hoạch. Chính vì điều này, đến cuối năm 2023, dự án không được cấp đủ 1,7 triệu m3 cát, các hạng mục tiếp theo cũng sẽ bị gián đoạn.

Và thực tế, việc thi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang đang gặp khó do thiếu cát đắp nền.

An Giang sẽ rà soát các khu mỏ còn hiệu lực để cung ứng cát cho cao tốc- Ảnh 2.

Thiếu cát đắp nền, nhà thầu đã cho giảm bớt số lượng công nhân làm việc trên công trường.

Ghi nhận tại gói thầu số 42, điểm đầu dự án thành phần 1 do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty CP Thiết bị 624 phụ trách cho thấy, việc thi công cũng chỉ thực hiện các phần việc khác do cát đắp nền không đảm bảo đủ số lượng nên nhà thầu đang gặp khó khăn.

Trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công) thông tin, gói thầu đơn vị phụ trách thi công là gói thầu số 42, tổng chiều dài gần 17km đường, 5 cầu và 62 cống.

Nếu cộng dồn số lượng cát trong năm 2023 chuyển sang thì mỗi ngày trên công trường cần 7.200m3 cát/ngày. Thế nhưng, hiện tại, nhà thầu chỉ nhận được 500m3 cát/ngày do Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng cung cấp.

Nhà thầu cũng được UBND tỉnh An Giang cấp hai mỏ cát theo cơ chế đặc thù, nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục để tiến hành khai thác. 

Cát có về công trường nhưng chỉ nhỏ giọt nên tiến độ thực hiện dự án chưa được như kỳ vọng và không đạt theo kế hoạch do chủ đầu tư đề ra.

"Trước đây, trên công trường thi công cao tốc gói thầu số 42 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phụ trách thực hiện có 100 công nhân.

Nhưng hiện tại, để đáp ứng nhu cầu công việc thì nhà thầu đã cho giảm bớt 30 công nhân. Trên công trường hiện còn 70 công nhân được nhà thầu cho tập trung thi công 4/5 cầu.

Các vị trí mặt bằng bóc đất hữu cơ cứ chờ cát, bóc đi bóc lại bốn lần, đến nay cỏ lại mọc lên", trung tá Đại nói.

Ông Tô Hoàng Môn, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, để tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn cát, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT rà soát toàn bộ các khu mỏ còn hiệu lực ưu tiên để phục vụ cho cao tốc trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đồng thời, tiếp tục rà soát các khu mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản tỉnh An Giang để đưa vào khai thác theo các cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án xây dựng đường bộ cao tốc trong thời gian tới.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.