Tùy tiện sử dụng sản phẩm bổ sung nội tiết tố dẫn tới nhiều nguy hại |
Uống dần vì... “phòng hơn chống”
Bắt đầu bước vào tuổi 35, chị Nguyễn Hoàng An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy xuất hiện một vài biểu hiện như hay nóng giận, đột xuất nóng bừng người, toát mồ hôi và kinh nguyệt không đều... Chị An chia sẻ: “Lên mạng tìm hiểu được biết đó là dấu hiệu tiền mãn kinh, chỉ cần bổ sung thêm nội tiết tố estrogen là ổn ngay”. Thay vì đi khám để xác định rõ nguyên nhân, chị An mò lên các trang “tâm sự chị em” và được một “đàn chị” tư vấn nên dùng loại thực phẩm chức năng (TPCN) với tên gọi BX có tác dụng “bổ sung estrogen, làm chậm quá trình tiền mãn kinh”.
Còn chị Trần Minh Hạnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mặc dù mới ở tuổi 28 nhưng đã có dấu hiệu “khô hạn” khiến mối quan hệ vợ chồng bấy lâu không được hài hòa. Chị Hạnh cho hay: “Gần năm nay, công việc cơ quan căng thẳng, lại thêm con cái thường xuyên ốm đau khiến mình mệt mỏi vô cùng. Vậy mà giờ lại thêm khoản bất ổn nhạy cảm nữa khiến vợ chồng lục đục”. Chị Hạnh cho biết thêm, có cô bạn thân bên Pháp giới thiệu loại TPCN “chiết xuất tinh chất hạt đậu nành, đảm bảo tươi trẻ như gái 18”. “Mình đang dùng được hai tuần, hy vọng hiệu quả”, chị Hạnh cho hay.
Chị em nếu thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Trong trường hợp nếu thiếu hụt hoóc môn (qua xét nghiệm), sẽ được chỉ định liệu pháp hoóc môn thay thế phù hợp. Tuyệt đối không nghe rỉ tai dùng thuốc estrogen "hồi xuân” rồi tự ý mua về dùng”.BS. Thân Ngọc Tuân khuyến cáo |
Theo BS. Thân Ngọc Tuân (Phòng Sản, khoa Khám bệnh, BV Đa khoa Medlatec), đa phần chị em thường tự ý bổ sung hormone sinh sản, chủ yếu là estrogen hay vẫn gọi chung là nội tiết tố thông qua các thông tin quảng cáo của sản phẩm hoặc truyền tai nhau mà không theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Thậm chí, có trường hợp dù chưa thấy bất kỳ biểu hiện nào của việc thiếu hụt nội tiết tố estrogen nhưng vẫn dùng vì cho rằng, “đến tuổi 30 rồi, phòng còn hơn chống”!?
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nội tiết tố ở người phụ nữ và ở mỗi độ tuổi có một sự ứng phó khác nhau. Để khắc phục sự thiếu hụt này cần xác định rõ nguyên nhân và điều này chỉ thực hiện được khi đến khám chuyên khoa. Việc xét nghiệm nội tiết tố thường được thực hiện ở ngày thứ 2-3 của kỳ kinh nguyệt sẽ cho kết quả chính xác nhất”, BS. Tuân cho biết.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nội tiết tố, BS. Tuân cho rằng, có thể do các nguyên nhân thực thể như suy buồng trứng sớm, phụ nữ đã từng sử dụng biện pháp kích trứng để thụ thai; Ngoài ra, còn các nguyên nhân từ vấn đề tâm lý như công việc cơ quan, gia đình quá căng thẳng, thường xuyên stress, chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý, không nạp đủ dưỡng chất, hay thậm chí cả việc tiếp xúc nhiều với máy tính cũng được coi là một nguyên nhân.
Tăng nguy cơ ung thư vì tự ý bổ sung nội tiết tố
Theo các chuyên gia giới tính - sinh sản, phụ nữ ở tuổi dậy thì cũng có trường hợp có dấu hiệu của thiếu nội tiết tố, nhưng thường khó chẩn đoán chính xác. Bởi có thể việc thiếu hụt chỉ xảy ra ở một giai đoạn và lại tiếp tục được tự sản sinh. Hay ở độ tuổi sinh sản, sự thiếu hụt nội tiết tố thường thể hiện qua các biểu hiệu rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa, rong dễ dẫn đến tình trạng chậm có con hay hiếm muộn. Còn với phụ nữa độ tuổi ngoài 40 do cơ thể dần lão hóa, kích thước, chức năng buồng trứng suy giảm, sinh hoạt tình dục không còn như ý… Ở mỗi độ tuổi, tình trạng thiếu hormone diễn biến với những nguyên nhân khác nhau. Nếu không xác định rõ nguyên nhân mà tự ý bổ sung nội tiết tố là vô cùng nguy hiểm.
BS. Nguyễn Kim Dung (Chuyên khoa Sản, Trung tâm Y tế Thái Hà) cho biết: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người phụ nữ chỉ có thể khỏe, đẹp khi bộ hormone sinh sản - sinh lý trong cơ thể họ được sản xuất đầy đủ, hài hòa với nhau. Nội tiết tố như: Estrogen, progesterone, testosterone… được sản sinh, điều tiết bởi hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng. “Chính vì vậy, khi tự ý bổ sung nội tiết tố sẽ khiến cho cơ quan sản sinh bộ hormone tự nhiên của cơ thể “ngủ quên” do nhận thức sai lệch về tình trạng “no ảo” các hormone này”, BS. Dung nói.
Ngoài ra, với những phụ nữ đã có sẵn nền bệnh lý mạn tính như gan, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tim mạch… thì việc sử dụng các chế phẩm bổ sung thêm estrogen không theo chỉ dẫn còn có thể khiến bệnh tình thêm nặng. Thậm chí với những phụ nữ đã có u sợi tuyến vú, nhân xơ tử cung, u tử cung…, việc bổ sung estrogen gây xuất huyết âm đạo và gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Đặc biệt, với phụ nữ đang tuổi sinh sản, việc bổ sung không đúng nội tiết tố estrogen dễ gây ung thư niêm mạc hoặc ung thư vú… ảnh hưởng rất lớn sau này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận