Bạn cần biết

Ẩn họa từ “chất nhờn ma quái” slime siêu rẻ

07/11/2018, 06:35

Chuyên gia cảnh báo tác hại khôn lường với đồ chơi slime siêu rẻ, đang được bày bán tràn lan trên thị trường.

16

Slime với màu sắc bắt mắt đang được bày bán rộng rãi gần các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội

Người bán lờ mờ, phụ huynh lo lắng

Ngay từ khi xâm nhập vào thị trường nội địa, đồ chơi slime hay còn gọi “chất nhờn ma quái”, đã nhanh chóng tạo cơn sốt đối với các em nhỏ. Anh Quang (Đống Đa, Hà Nội) có con 6 tuổi chia sẻ: “Mấy hôm đi đón cháu thấy một mực đòi bố mua đồ chơi là “chất nhờn ma quái” giống trong phim, các bạn ở lớp đều có. Thực tình tôi cũng không để ý lắm vì tưởng đó là đồ chơi bình thường nhưng vô tình thấy trên bao bì toàn tiếng Trung Quốc, lại có màu sắc sặc sỡ, không biết có đảm bảo chất lượng hay không?”.

Trong khi đó, chị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Con trai tôi thường xuyên đòi mẹ mua slime để nghịch. Tuy nhiên, sau mỗi lần chơi, bàn tay con đều có hiện tượng dị ứng, mẩn ngứa. Ban đầu biểu hiện nhẹ, rửa tay sạch là hết nhưng càng về sau vết mẩn ngứa lại lộ rõ hơn. Do đó, tôi buộc phải cấm cháu không được chơi chất nhầy đó nữa”.

Trước đó, một phụ huynh ở Tây Ninh cho biết: 10 đầu ngón tay của con trai 8 tuổi bị sưng tấy lở loét sau khi chơi “chất nhờn ma quái”. Kết quả thăm khám tại BV Da liễu TP HCM cho thấy, bé bị viêm da mủ, phải uống thuốc điều trị từ 1-2 tháng, nếu chậm trễ, nhiễm trùng lan rộng, có nguy cơ phải tháo khớp.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, slime được bày bán phổ biến từ các hiệu sách lớn tới cửa hàng đồ chơi nhỏ lẻ, đặc biệt khu vực gần trường học. Chị H., người bán đồ chơi trẻ em gần cổng trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết có hai loại slime đặc và loãng. Trong đó, loại slime đặc được các “thượng đế” nhỏ tuổi ưu tiên lựa chọn. Một hộp “chất nhờn ma quái” cỡ nhỏ có giá 10 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu mua với số lượng nhiều sẽ được giảm giá còn 8 nghìn đồng. “Đây là hàng của Trung Quốc, tôi chỉ biết bán. Ban đầu cũng hơi sợ nhưng thấy quanh đây người ta bán cho trẻ em không nguy hiểm nên quyết định nhập về”, chị H. nói và cho biết thêm: “Cái này có nhiều loại không rõ thành phần. Nếu nhà có con còn bé thì tốt nhất đừng cho chơi. Tôi chỉ bán hộp nhỏ vậy thôi, trẻ con chơi ít đỡ nguy hiểm”.

Một nữ nhân viên tại cửa hàng văn phòng phẩm trên đường Trần Huy Liệu (Hà Nội) cho biết, hiện tại cơ sở đã bán hết slime bởi đây là mặt hàng được trẻ em mua rất nhiều. “Nếu muốn có slime chất lượng thì nên tự mua những nguyên liệu như dung dịch rơ miệng có chứa hàn the, keo, bột màu, nhũ, nước rửa bát… về làm. Ở trên mạng có nhiều video hướng dẫn và cách làm cũng đơn giản, như vậy có thể yên tâm và đảm bảo chất lượng”, nữ nhân viên này chia sẻ.

Theo quan sát của PV, loại chất nhờn này khá bắt mắt với đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng… Bên ngoài vỏ hộp đựng là chằng chịt các dòng chữ Trung Quốc, không hề có mác phụ tiếng Việt. Thông qua một phiên dịch, nội dung thông tin về sản phẩm được dịch như sau: “Loại slime này không dùng cho trẻ em dưới 7 tuổi, thành phần bao gồm nước, chất PVA, chất hóa học glycerin…”.

Cẩn trọng với slime tự chế

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con trẻ, các bậc phụ huynh không nên mua những hộp slime không rõ nguồn gốc, thành phần, chất lượng được bày bán trôi nổi trên thị trường. “Các chất cơ bản thường có trong slime như: PVA, glycerin, bột màu… hoàn toàn không độc. Tuy nhiên, cần phải lưu ý độ tinh khiết của những chất đó có lẫn tạp chất hay không. Ví dụ, nếu là tinh chất thì có thể không độc. Nhưng khi không được điều chế tinh khiết và có lẫn nhiều tạp chất rất có thể những tạp chất đó sẽ là chất độc. Có thể lấy một ví dụ để so sánh như thuốc diệt cỏ thường gây rụng lá ở thực vật, không gây độc hại mạnh lên cơ thể của động vật máu nóng, trong đó có con người. Nhưng cái nguy hiểm ở đây nếu thuốc diệt cỏ đó có tạp chất dioxin thì hậu quả sẽ vô cũng nghiêm trọng”, vị chuyên gia phân tích.

Cũng theo PGS. TS. Trần Hồng Côn, việc tự làm slime bằng dung dịch rơ miệng có chứa hàn the cần phải thận trọng. Nếu không may trẻ cho slime có chứa hàn the vượt quá hàm lượng cho phép vào miệng hoặc ăn vào trong cơ thể sẽ tác động tới hệ tiêu hóa. Ngoài ra, bản chất hàn the không gây ngộ độc cấp tính, nếu nuốt với số lượng lớn, quá liều lượng và trong thời gian dài có thể gây ra một số chứng bệnh như hay quên, lơ đãng và làm cho thần kinh ngoại biên bị chậm lại.

Bên cạnh đó, những nguyên liệu khác như bột giặt, xà phòng nếu có chứa các chất như: Natri photphat, natri cacbonat… có tính kiềm mạnh sẽ gây ăn mòn da tay. “Trong trường hợp không may trẻ cho vào miệng, tuỳ vào từng chất, nếu như slime được pha từ những chất hoạt động bề mặt thông thường, không độc hại thì có thể gây đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu. Nhưng nói chung, chất hoạt động bề mặt có hàng nghìn chất, cần phải biết trong đó sử dụng chất gì và chất đó độc tới mức nào. Ví dụ, các hóa chất dùng trong ứng dụng là an toàn nhưng cũng loại đó mà sử dụng trong công nghiệp có thể gây hậu quả khôn lường”, PGS. TS. Trần Hồng Côn nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.