Buổi họp báo chiều 30/12 do Đại tá Lê Văn Tam, GĐ Công an TP Đà Nẵng chủ trì. Ảnh: Tấn Việt. |
Chiều 30/12, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả điều tra vụ án ông Limuzi (quốc tịch Trung Quốc) bị bắn chết tại Đà Nẵng (Báo Giao thông đã đưa tin). Đối tượng được xác định cũng là 1 người Trung Quốc, tên thường gọi là A Lãng.
Liên quan đến vụ án này, sáng 31/12, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao (Đoàn LS TP Đà Nẵng) nhằm làm rõ các quy định luật pháp liên quan đến quá trình truy tố, xét xử đối tượng là người nước ngoài gây án trên lãnh thổ Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:
Luật sư Lê Cao |
PV: Theo luật pháp Việt Nam, căn cứ trên những tình tiết nào thì cơ quan tố tụng có thể truy tố tội danh giết người. Trường hợp A Lãng nếu bị truy tố tội danh giết người sẽ chịu mức án như thế nào?
Luật sư Lê Cao: Quá trình điều tra nếu xác định được rõ hành vi của A Lãng là cố ý dùng súng bắn vào nạn nhân để tước đoạt mạng sống thì được xem là dấu hiệu của tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999. Từ những tình tiết như đã công bố trong buổi họp báo, cơ quan điều tra đã căn cứ vào các tình tiết cho thấy có hành vi đủ cấu thành tội giết người nên đã khởi tố vụ án, ra lệnh truy nã và bắt nghi can. Hiện vụ việc đang được điều tra nên không thể “kết án” nghi can ngay được. Nhưng nếu bị truy tố, xét xử về tội giết người thì tùy theo mức độ phạm tội có thể bị xử phạt mức án thấp nhất là 7 năm tù đến chung thân hoặc tử hình.
PV: Trong buổi họp báo, Đại tá Lê Văn Tam, GĐ Công an TP Đà Nẵng cho biết bất kỳ người nước nào khi gây án trên lãnh thổ Việt Nam đều phải bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, vậy trong trường hợp này quá trình truy tố, xét xử sẽ chịu những điều chỉnh nào? Tòa án cấp nào đủ thẩm quyền xét xử vụ án và liệu có phải đưa đối tượng về Trung Quốc để thi hành án hay thi hành án trên lãnh thổ Việt Nam?
Luật sư Lê Cao: Theo quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật tố tụng hình sự 2003 hiện còn hiệu lực thì mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCNVN đều được xử lý theo quy định của các văn bản luật này. Hiện nay, theo chúng tôi được biết thì Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết hiệp ước riêng về dẫn độ tội phạm. Do đó khi xét xử ở Việt Nam thì thẩm quyền xét xử vụ án này thuộc TAND TP Đà Nẵng. Khi có bản án có hiệu lực pháp luật, nếu A Lãng bị phạt tù chẳng hạn thì theo Luật tương trợ tư pháp vấn đề thi hành án có thể ở Việt Nam hoặc có thể thực hiện bàn giao cho phía Trung Quốc thi hành án.
Hiện trường vụ án sáng 26/11 tại Đà Nẵng. Ảnh: Tấn Việt. |
PV: Luật sư đánh giá như thế nào về chiến công của Công an TP Đà Nẵng?
Luật sư Lê Cao: Việc điều tra, xác minh và bắt được nghi can của vụ án này đã được tiến hành rất nhanh. Đó là một tín hiệu rất vui để làm an lòng người dân Đà Nẵng trong những biểu hiện có phần đáng lo ngại gần đây về ANTT, nhất là hoạt động của những người nước ngoài tại thành phố này. Chúng ta đối diện với phát triển, hội nhập thì phải đứng trước những vấn đề mới mẻ và đầy thách thức hơn về tình hình ANTT, đó là điều bình thường của các thành phố lớn. Những hoạt động kịp thời phòng chống, ngăn ngừa và trấn áp tội phạm là điều rất tốt đẹp sẽ làm người dân yên tâm hơn trong thành phố được gọi là “đáng sống” này.
PV: Cả nghi can và nạn nhân đều kinh doanh mua bán sim, card điện thoại trên mạng và từ đó nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến án mạng. Trong buổi họp báo, Đại tá Lê Văn Tam thừa nhận công an rất khó quản lý hoạt động kinh doanh này. Vậy xin Luật sư cho biết việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng của người nước ngoài nhập cảnh vào VN có kẽ hở nào không?
Luật sư Lê Cao: Kinh doanh trên mạng hiện nay không chỉ vấn đề người nước ngoài mà ở trong nước với các chủ thể người Việt Nam cũng đang à vấn đề rất nhức nhối. Chúng ta chưa có công cụ hữu hiệu về mặt luật pháp cũng như các hoạt động quản lý đủ mạnh để đảm bảo các hoạt động thương mại điện tử hợp pháp được thực hiện một cách minh bạch và lành mạnh. Thương mại điện tử với đủ các hình thức đang xâm chiếm thị trường Việt Nam nhưng chúng ta đang chậm chân trong quản lý, do đó có thể dẫn đến các hoạt động không lành mạnh và các mâu thuẫn, tranh chấp cũng có thể phát sinh từ đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong là câu chuyện từ vụ án này cần được xem xét ở khía cạnh quản lý lưu trú, xuất nhập cảnh và quản lý hoạt động của người Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay. Nếu chúng ta không phòng ngừa các nguy cơ bấn ổn từ trước mà xử lý các vấn đề sau khi tội phạm đã gây ra hậu quả nặng nề thì mọi chiến công đều có thể bớt đi sự lung linh.
PV: Cảm ơn Luật sư!
Sáng 31/12, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định thưởng nóng 50 triệu đồng cho Ban chuyên án chịu trách nhiệm điều tra vụ án nói trên. Đây là vụ án chưa từng có tiền lệ tại Đà Nẵng với độ phức tạp cao nhưng Ban chuyên án đã làm rõ vụ án sau hơn 1 tháng điều tra. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận