Doanh thu tăng mạnh nhờ chuyển đổi số
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát sau Tết, nhận thấy các mặt hàng bảo hộ chống dịch được nhiều người tìm mua trong khi các mặt hàng khác tiêu thụ chậm, chị Nguyễn Như Thúy (trú tại TPHCM) quyết định chuyển qua kinh doanh mũ bảo hộ chống dịch. Thời gian đầu, chỉ bán vài chục đơn trong ngày, nhưng khi dịch lan rộng, nhu cầu tăng cao, chị Thúy phải tuyển thêm nhân viên lấy hàng, vận chuyển và quản lý trang bán hàng online.
Tuy nhiên, khi đơn hàng quá nhiều, nhóm chị Thúy luôn trong tình trạng “quay cuồng”, thậm chí trễ hẹn khách. Khi đó, một quyết định mà chị Thúy cho rằng đã rất sáng suốt là sử dụng dịch vụ phần mềm quản lý bán hàng online. Tất cả các khâu từ quảng cáo, bán hàng, ship hàng hay kế toán… đều được quản lý bằng phần mềm này.
“Mỗi ngày số lượng hàng được chốt lên tới hơn 300 đơn. Thậm chí trong kho còn bao nhiêu hàng cũng theo dõi được”, chị nói và cho biết: “Mình theo dõi trên hệ thống, khi nào doanh số có dấu hiệu sụt giảm và dịch bệnh được kiểm soát mình sẽ suy nghĩ đến các sản phẩm khác. Còn hiện nay nhu cầu các sản phẩm bảo hộ phòng chống Covid-19 sẽ vẫn hút khách”.
Công ty TNHH Công nghệ Pushsale.vn là đơn vị chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng trực tuyến. Trao đổi với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc Đỗ Xuân Thắng cho hay, số lượng khách hàng của công ty tháng vừa qua tăng tới 50%. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, các cửa hàng đều vắng khách vì người dân lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra điều này và trở thành khách hàng của Pushsale.
Nền tảng chuyển đổi số Pushsale mới được xây dựng cách đây đúng 1 năm. Chỉ sau 9 tháng vừa xây dựng vừa hoàn thiện và đưa vào hoạt động, Pushsale đã có 50 khách hàng, thu về 1 tỷ đồng. Năm 2020, mục tiêu của Pushsale là có được 1.000 khách hàng.
Ông Thắng khiêm tốn thông tin tiến độ vẫn đang đạt được nhưng với tốc độ tăng khách hàng trong bối cảnh hiện nay, công ty có thể sẽ sớm cán đích. Hiện nay, trái với tình trạng chung của đa phần doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “ngủ đông” thì công ty này lại vô cùng bận rộn do khối lượng khách hàng tăng mạnh. Hai tháng qua, Pushsale cũng đã phải tuyển thêm nhân sự.
Hãy tận dụng thời gian khủng hoảng
Ai cũng quan sát thấy, thời gian này việc ứng dụng công nghệ thông tin đều được tăng cường từ mỗi người dân.
Đơn cử như mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên Việt Nam trong dịch bệnh này đã tốt hơn rất nhiều qua giải pháp dạy và học trực tuyến mà trước đây các trường cứ trì hoãn. Nhà đầu tư nào đầu tư cho công nghệ thông tin tốt trong giáo dục thì giai đoạn này có thể khẳng định được thương hiệu.
Các doanh nghiệp khác cũng vậy thôi, đợt dịch này sẽ là tác nhân quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó tăng giá trị thị trường, thị phần, doanh thu. Quan trọng doanh nghiệp có tận dụng và phát huy được hay không.
TS. Nguyễn Đức Thành (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
“Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có thời gian thì hãy nghiên cứu các giải pháp để tối ưu hệ thống quản lý. Để sau khi dịch đi qua, doanh nghiệp bung ra thị trường. Còn đến lúc dịch qua rồi thì doanh nghiệp lại bị cuốn theo vòng quay kinh doanh. Các doanh nghiệp hãy tận dụng thời gian này”, ông Thắng chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) là người nghiên cứu sâu về kinh tế nền tảng số và vấn đề chuyển đổi số tại Việt Nam mấy năm qua. Ông Thành cho rằng, không phải trong bối cảnh dịch Covid-19 mà trên thực tế chuyển đổi số là xu thế không thể thoát được mà các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải theo.
“Cuộc cách mạng chuyển đổi số này là xu thế tất yếu, chúng ta không thể từ bỏ. Những cuộc cách mạng trước ta có thể đi sau, đi chậm hơn nhưng cuộc cách mạng này ta hoàn toàn có thể đi cùng thế giới”, ông Thành nói.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 thực sự tác động nghiêm trọng tới không chỉ Việt Nam, khu vực mà cả thế giới, TS. Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế số lại là điểm tích cực, làm cho doanh nghiệp quan tâm hơn, thấy hiệu quả và ích lợi hơn. Nó là cách giúp doanh nghiệp tận dụng để vượt qua khó khăn hiện nay.
TS. Võ Trí Thành cũng cho biết, các trường hợp chuyển đổi số mà ông biết đã tăng doanh thu lên tới 30% sau khi chuyển đổi số thành công. “Đó là điều thiết thực. Bây giờ không phải chỉ là thấy nữa mà trên thực tế đã diễn ra như thế rồi”, nguyên Phó viện trưởng CIEM nói và nhấn mạnh, “trong nguy có cơ, trong cơ có xu thế, trong xu thế mà có khó khăn thì càng phải sáng tạo”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, chuyển đổi số cũng là sự cạnh tranh mà tỷ lệ thành công dưới 50%. Muốn chuyển đổi số thành công không phải cứ nhiều tiền mà hãy nghĩ lớn, nhưng hãy làm từ việc nhỏ, sáng tạo và lan tỏa. Như nhiều công ty đã chuyển đổi số từ việc đầu tiên là thay đổi giao tiếp với khách hàng, rồi tới giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.
Chuyển đổi số cũng phải gắn với chiến lược, là thế giới thực; không phải chuyển đổi số một bên và chiến lược hàng hóa một bên. Cuối cùng là vai trò người đi đầu. Đó là nguyên tắc góp phần chuyển đổi số thành công.
“Lần này với dịch Covid-19, muốn hay không thì do phòng bệnh tự chúng ta đã lấn tới, sử dụng nhiều hơn một cách hồn nhiên các công nghệ. Qua lần này chúng ta lấn tới, làm cho bài bản để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp kiếm tiền tốt hơn”, TS. Thành nói.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN lại nêu một ví dụ rất cụ thể, hiện ở Mỹ trong khi các ngành như hàng không, nhà hàng, khách sạn đã cho lao động nghỉ việc, giãn việc thì Amazon lại đăng thông báo tìm thêm 100 nghìn việc làm.
Hay tại Việt Nam, trong bối cảnh các cửa hàng sách “vắng như chùa bà đanh” do lo ngại lây Covid-19 thì các kênh bán sách online lại tăng rất mạnh như Tiki tăng tới 150%, lượng bán hàng qua kênh online của Công ty sách Phương Nam cũng tăng tới 70%. “Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp hãy tư duy lại chiến lược của mình”, ông Vũ Tú Thành nói.
“Doanh nghiệp là người biết mình cần làm gì. Đây là giai đoạn thích hợp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin”, đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nói.
Ông Tuấn nhấn mạnh, ngay cả trong Nghị quyết 11 về khắc phục tác động của dịch Covid-19, Chính phủ cũng coi ứng dụng công nghệ thông tin là chủ trương cấp bách. “Việt Nam với đặc thù là có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ nên việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thuận lợi hơn các doanh nghiệp lớn, cồng kềnh”, ông Tuấn đánh giá.
“Việt Nam cũng có hạ tầng công nghệ thông tin tốt so với khu vực, nhân sự trẻ và mức độ thích nghi với công nghệ tốt hơn các nước. Việt Nam hội đủ các điều kiện để tăng cường triển khai công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc này nên là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp chứ không phải cuộc đua thời thượng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận